Xây dựng xã hội học tập thành phong trào rộng rãi
Lượt xem:
Đưa công tác khuyến học, khuyến tài phát triển theo chiều sâu, xây dựng xã hội học tập thành phong trào rộng rãi là mục tiêu hướng tới của Đắk Nông, góp phần nâng cao dân trí.
Theo đánh giá, qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 11 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh thành lập được 745 ban, chi hội khuyến học, với số hội viên chiếm khoảng 24,4% dân số. Hội khuyến học các cấp đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong vận động các lực lượng xã hội đẩy mạnh khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập còn một số hạn chế như phong trào học tập chưa có sự chuyển biến sâu rộng, thường xuyên; nguồn kinh phí huy động xây dựng quỹ khuyến học ở các cấp còn khó khăn…
Để nâng cao chất lượng, đưa công tác khuyến học, khuyến tài phát triển theo chiều sâu, mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2021-2030.
Trường THPT Trường Chinh, ở xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) phối hợp với mạnh thường quân tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học tại “Tuần lễ học tập suốt đời” |
Trong đó, Đắk Nông phấn đấu đến năm 2030 xây dựng 100% tổ chức hội ở tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức, lực lượng vũ trang và các công ty, xí nghiệp, trường học; có 60% người lớn trong gia đình, 80% cán bộ, công nhân viên chức người lao động đạt danh hiệu “Công dân học tập, Đơn vị học tập”; quỹ khuyến học đạt mức bình quân 30.000 đồng/người dân…
Để đạt được các kết quả trên, chỉ thị yêu cầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị, xã hội từ tỉnh đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp. Nhất là hội khuyến học các cấp, tập trung xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động.
Cụ thể, các cấp hội tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng. Qua đó, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, toàn xã hội về tầm quan trọng của công tác khuyến học, xây dựng xã hội học tập đối với phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Hội khuyến học các cấp, bằng nhiều hình thức, vận động toàn dân tích cực tham gia vào công tác khuyến học, các mô hình học tập nhằm nâng cao dân trí. Việc biểu dương gương sáng tự học thành tài để lập thân, lập nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, góp phần phát triển bền vững “Gia đình văn hóa, Đơn vị văn hóa” cần được đẩy mạnh, kịp thời.
Từng địa phương đưa công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trở thành một phong trào rộng rãi, tạo cơ hội để mọi người dân ai cũng được học và có một hình thức học tập thường xuyên, thích hợp, được công nhận là một “Công dân học tập”, “Gia đình học tập”.
https://baodaknong.org.vn/