Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với Giáo dục Đắk Nông về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Lượt xem:

Đọc bài viết

Ngày 8/3, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Hữu Độ cùng lãnh đạo các Vụ, Cục liên quan có buổi làm việc với tỉnh Đắk Nông về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Buổi làm việc được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi làm việc

Nhiều chuyển biến rõ nét

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Đắk Nông Phan Thanh Hải cho biết, trong những năm qua, UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo Sở GDĐT tổ chức nghị cán bộ chủ chốt ngành giáo dục để quán triệt, triển khai thực hiện và chỉ đạo tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành về quan điểm đổi mới chương trinh sách giáo khoa. Đồng thời, ngành giáo dục đã phối hợp với các cơ quan báo, đài tuyên truyền trong nhân dân, nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Căn cứ các văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, đảm bảo yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương và cơ sở giáo dục; phát huy tính chủ động, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên trong việc thực hiện chương trình; khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới.

Để triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Sở GDĐT đã ban hành các văn bản nhằm hướng dẫn, triển khai bồi dưỡng đội ngũ, giáo viên, cán bộ quản lý thực hiện Chương trình GDPT 2018 trên địa bàn tỉnh theo các văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT. Chỉ đạo tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, chuyên đề bộ môn cho cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học.

Về cơ sở vật chất, trang thiếu bị dạy học, các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cơ bản đáp ứng đủ 01 phòng học/lớp. Các trường đã bố trí, sắp xếp linh họat các phòng học bộ môn, thí nghiệm thực hành, thư viện, thiết bị giáo dục… để đảm bảo quá trình dạy và học theo chương trình GDPT mới.

Là cơ sở giáo dục có những chuyển biến rõ nét trong quá trình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, thầy Vũ Tiến Tiệp, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Vừ A Dính, xã Đắk Som (Đắk Glong) cho biết, nhà trường luôn được sự quan tâm thường xuyên của Sở GDĐT, Phòng GDĐT, tập huấn cho đội ngũ giáo viên dạy lớp 1, 2, 3 sử dụng sách giáo khoa mới; tổ chức nghiên cứu các văn bản về thay đổi nội dung nhằm giúp cho giáo viên cập nhật sự thay đổi về cả nội dung cũng như phương pháp dạy học mới. Học sinh chủ động tiếp thu kiến thức, tích cực thực hiện hoạt động giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực theo đúng mục tiêu của chương trình GDPT 2018. Công tác quản lý giáo dục của nhà trường được tăng cường, đội ngũ giáo viên được chuẩn hóa, được tăng cường phân cấp, phân quyền cho nhà trường, giáo viên. Bên cạnh đó, kinh phí giáo dục được ưu tiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục được đầu tư, từ không đồng bộ thành đồng bộ.

Thầy Đào Quang Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, huyện Đắk Glong nhận định: Nội dung sách giáo khoa, chương trình GDPT mới phù hợp với thực tiễn của nhà trường, địa phương. Cấu trúc chương trình, sách giáo khoa đảm bảo tính logic, phù hợp đặc thù của mỗi môn học, lứa tuổi học sinh. Đội ngũ giáo viên chuyên ngành, tổ chuyên môn, giáo viên phụ trách các môn học mới được tập huấn, bồi dưỡng modul, về sách giáo khoa, triển khai các môn học. Nội dung và hình thức sách giáo khoa mới có nhiều thực hành, thực tiễn, thiết kế sáng tạo, mới mẻ, khơi dậy tinh thần chủ động học tập của học sinh. Thông qua đó, học sinh được mở rộng kiến thức về xã hội và bản thân.

Đổi mới giáo dục là một quá trình

Tại buổi làm việc, đại diện các vụ, cục của Bộ GD&ĐT đã trao đổi, chia sẻ, giải đáp những nội dung địa phương, cơ sở giáo dục còn băn khoăn; đồng thời lưu ý một số vấn đề khi triển khai thực hiện chương trình, về cơ sở vật chất; đội ngũ; kinh phí, nguồn lực triển khai Chương trình GDPT 2018; việc triển khai chương trình ở từng cấp học…

Đánh giá Đắk Nông đã triển khai thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông một cách bài bản, chặt chẽ, tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị Sở GD&ĐT Đắk Nông tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến của các vụ, cục.

Thứ trưởng đồng thời lưu ý, các ý kiến trước đoàn giám sát cần rất rõ, gọn, thật bản chất, đi thẳng vào vấn đề, giúp các đại biểu Quốc hội hiểu rõ những việc ngành Giáo dục đang làm. Điều này rất quan trọng để giúp đoàn xây dựng báo cáo giám sát khách quan, chính xác.

Nhấn mạnh giáo dục là một quá trình, Thứ trưởng cho rằng, Chương trình GDPT 2018 có những việc làm được ngay; nhưng cũng có việc cần cả quá trình, không phải có sẵn, đầy đủ mọi điều kiện mới làm.

Ví dụ như môn Khoa học tự nhiên, không phải đợi có đủ giáo viên (một giáo viên đảm nhiệm được cả môn học) mới triển khai giảng dạy mà phải hài hòa, phù hợp với điều kiện thực tế. Cùng với đó là lộ trình bồi dưỡng, đào tạo để dần xây dựng đội ngũ giáo viên từ “đơn môn” thành “đa môn”. Trên thế giới cũng vậy, không phải đã đầy đủ đội ngũ giáo viên có thể đảm nhiệm được cả các phân môn trong môn Khoa học tự nhiên.

Hoặc với lựa chọn môn học ở THPT, cần phải xây dựng tổ hợp để vừa đáp ứng với nhu cầu đa dạng của người học, vừa phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ… từng nhà trường.

Nhấn mạnh tới báo cáo kết quả triển khai Nghị quyết 88, Thứ trưởng lưu ý: Cần làm rõ văn bản chỉ đạo đã đầy đủ, hướng dẫn đã kỹ càng? Đánh giá về Chương trình GDPT 2018 với sự khác biệt, điểm mới và giáo viên phải hiểu thật sâu sắc về chương trình. Đồng thời, nói rõ các vấn đề liên quan đến SGK, như lựa chọn, tập huấn sử dụng SGK, phát hành, sử dụng SGK…; vấn đề dạy môn học mới và lựa chọn môn học; vấn đề bồi dưỡng, tập huấn giáo viên; xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường; đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành…

Thứ trưởng mong muốn, qua thực tiễn, ý kiến từ ngành Giáo dục địa phương, nhà trường sẽ làm rõ thêm, sâu sắc thêm để các đại biểu trong đoàn giám sát của Quốc hội hiểu hơn về những việc ngành Giáo dục đang triển khai. Trong đó có sự nỗ lực, đầy trách nhiệm của toàn ngành khi triển khai đổi mới, hướng tới có “sản phẩm” mới là các em học sinh thực sự tự tin, năng động, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực của đất nước trong bối cảnh mới.

Nguồn từ moet.gov.vn