Việc đánh giá chương trình học lớp 1 quá nặng là chưa đủ căn cứ
Lượt xem:
Qua hơn một tháng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 đã có nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo liên quan đến vấn đề này.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo |
PV: Ông có thể cho biết tình hình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới trong 1 tháng qua tại các trường diễn ra như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Toàn: Đây là năm học đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với bậc tiểu học, cụ thể là lớp 1. Bộ sách được lựa chọn từ các bộ sách như: Chân trời sáng tạo, Cánh diều, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục, Kết nối tri thức với cuộc sống. Hiện nay 100% học sinh lớp 1 đã có đầy đủ bộ sách giáo khoa mới. Giáo viên được tập huấn đầy đủ về sử dụng sách giáo khoa.
Sau một tháng triển khai chương trình, cả giáo viên và học sinh đã từng bước làm quen với cách học và dạy mới. Giáo viên đang từng bước chuyển đổi từ phương pháp truyền thụ kiến thức trước đây sang việc kết hợp phương pháp trực quan sinh động nhiều hơn.
Qua ghi nhận từ các trường tiểu học, việc triển khai dạy theo chương trình mới ở lớp 1 cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra. Hầu hết các vướng mắc của giáo viên trực tiếp dạy lớp 1 và cán bộ quản lý đều được đội ngũ cán bộ, giáo viên cốt cán hỗ trợ kịp thời. Các nhà trường được quán triệt tăng cường trao đổi chuyên môn, dự giờ nhằm kịp thời nhận xét, đánh giá các tiết dạy cho giáo viên rút kinh nghiệm.
Do là mới, nên đòi hỏi đội ngũ cán bộ, giáo viên phải học hỏi, đổi mới nhiều hơn và là một trong những yếu tố quan trọng để áp dụng hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới.
PV: Nhiều người cho rằng chương trình lớp 1 hiện nay có khối lượng kiến thức khá nặng. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?
Ông Nguyễn Văn Toàn: Nếu thời điểm này đánh giá là chương trình lớp 1 quá nặng là chưa đúng vì chưa đủ căn cứ. Để đánh giá một chương trình phải đến thời điểm kết thúc năm học hoặc ít nhất phải hết học kì I.
Chương trình mới là sự kế thừa của chương trình hiện hành, chỉ thay đổi một số nội dung để tạo cho giáo viên có cơ hội thực hiện những phương pháp dạy học tích cực. Sách giáo khoa mới hiện nay không còn buộc giáo viên phải tuân thủ thời gian, nội dung mà được thiết kế theo hướng mở, trao quyền tự chủ cho giáo viên. Vì vậy, tùy vào trình độ của học sinh, giáo viên có những phương pháp và cách dạy phù hợp, linh hoạt.
Chương trình mới đưa ra rất nhiều hoạt động, có thể khi phụ huynh và giáo viên mới lướt qua sẽ cảm thấy kiến thức nặng. Tuy nhiên, khi triển khai tiết dạy, giáo viên không nhất thiết phải làm hết tất cả các hoạt động ấy mà có thể lựa chọn những hoạt động phù hợp, bảo đảm để học sinh nắm được kiến thức cơ bản ở bài học. Như vậy, tiết học nặng hay nhẹ một phần còn do cách áp dụng phương pháp của giáo viên.
Riêng đối với môn Tiếng Việt, nhiều người cho rằng nặng so với chương trình cũ nhưng thực tế không phải như vậy. Chương trình Tiếng Việt mới được thiết kế 420 tiết/năm học, trong khi chương trình cũ 350 tiết/năm học. Tuy nhiên, một số môn học khác lại có số tiết giảm hơn so với chương trình cũ. Điển hình, đối với môn Toán trước đây được bố trí 4 tiết/tuần nhưng nay giảm xuống 3 tiết/tuần. Đến các lớp cao hơn thì môn Toán lại được bố trí thời lượng nhiều hơn và ngược lại môn Tiếng Việt sẽ giảm hơn so với lớp 1.
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục – Đào tạo) đã khẳng định, yêu cầu đọc thông viết thạo Tiếng Việt là điều kiện để học sinh tiếp cận các môn học khác dễ dàng hơn. Vì vậy, việc dành thời lượng nhiều hơn đối với môn Tiếng Việt so với các môn học khác là mục tiêu của chương trình mới.
PV: Thời gian tới ngành Giáo dục sẽ có những giải pháp gì để nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học chương trình giáo dục phổ thông mới, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Toàn: Bộ phận phụ trách chuyên môn của Sở sẽ thường xuyên cập nhật các văn bản hướng dẫn về phương pháp dạy học cũng như đánh giá học sinh, trên cơ sở đó định hướng các nhà trường triển khai đúng tinh thần đề ra của Bộ.
Ngành Giáo dục sẽ đa dạng hóa các hình thức tập huấn, giúp giáo viên cập nhật phương pháp dạy học mới hiệu quả. Các huyện, thành phố tăng cường giao lưu, trao đổi để cùng nhau đánh giá, rút kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau. Các nhà trường ưu tiên dạy học 2 buổi/ngày đối với lớp 1 nhằm tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, bảo đảm cho học sinh biết đánh vần và đọc khi hết học kỳ I.
Đối với chương trình học lớp 1 hiện nay cũng phần nào đòi hỏi sự phối hợp từ phụ huynh. Việc triển khai dạy học Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 là cơ sở để ngành đánh giá, rút kinh nghiệm và phát huy thế mạnh nhằm triển khai hiệu quả hơn cho các năm học sau.
Theo baodaknong.org.vn