Trường tiểu học Hà Huy Tập: Chú trọng lấy học sinh làm trung tâm

Lượt xem:

Đọc bài viết

Trường tiểu học Hà Huy Tập ở xã Tâm Thắng (huyện Chư Jút, tỉnh Đắk Nông) hiện có 285 học sinh, trong đó có trên 82% học sinh dân tộc thiểu số. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, nhà trường luôn nằm trong tốp dẫn đầu về chất lượng giáo dục ở địa phương.

d1

Giáo viên tổ chức xen kẽ các trò chơi trong giờ học, tạo hứng thú cho học sinh

Theo cô Phạm Thị Thủy, Hiệu phó nhà trường thì với đặc trưng có hầu hết học sinh dân tộc thiểu số nên trường cũng gặp nhiều khó khăn trong việc nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, không chấp nhận khó khăn, trường cũng đã có những giải pháp vừa trước mắt vừa mang tính lâu dài để nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là chú trọng phương pháp lấy học sinh làm trung tâm.

Những năm trước đây, số lượng học sinh nghỉ học tương đối nhiều vì theo bố mẹ đi làm và ở lại nương rẫy. Một số khác vì hoàn cảnh khó khăn phải nghỉ học để phụ giúp bố mẹ. Ban giám hiệu và giáo viên đã đến từng nhà để tuyên truyền và vận động phụ huynh cho con em đến trường. Nhiều trường hợp phải tìm đến tận nương rẫy, tận nhà vận động nhiều lần mới thành công.

Nhà trường cũng thực hiện nhiều hình thức hỗ trợ học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn như tặng quà, học bổng trong các dịp tổng kết học kỳ. Học sinh cùng nhau “Nuôi heo đất” để giúp bạn đến trường. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh nghỉ học, bỏ học giữa chừng ngày càng giảm dần. Đến hai năm gần đây hầu như không còn tình trạng học sinh nghỉ học hay bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nữa.

Trong công tác giảng dạy, trường chủ trương và khuyến khích giáo viên dạy học trên tinh thần vừa đổi mới phương pháp vừa chú trọng, quan tâm đến đặc điểm tâm sinh lý của học sinh. Từ đó, giáo viên biết cách phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh ở tất cả các lĩnh vực như năng lực, phẩm chất, giúp các em phát hiện thế mạnh của mình. Hiện tại, trường có 14 phòng học, đây là điều kiện để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Việc dạy học cả ngày tạo nhiều lợi thế và là cần thiết để bồi dưỡng, phụ đạo cho học sinh dân tộc thiểu số về tiếng Việt.

Cô Trần Thị Kim Anh, giáo viên phụ trách lớp 1 cho biết: “Là giáo viên chủ nhiệm lớp, tôi luôn bám sát học sinh, nắm rõ năng lực và sự chuyển biến của từng em về tất cả các mặt. Trong quá trình dạy, tôi phân loại học sinh để có phương pháp dạy phù hợp. Lớp tôi chủ nhiệm có trên 90% là học sinh dân tộc thiểu số, nên tôi thường dành nhiều thời gian để hỗ trợ các em trong giờ ra chơi hay sau giờ học. Trong quá trình dạy, tôi tăng cường giao tiếp với học sinh, nhất là những em nhút nhát, học yếu hơn để giúp các em tự tin”.

Cô Chu Thị Ngọc Liên, giáo viên phụ trách khối lớp 2 tâm sự: “Ngoài những mục tiêu chung của nhà trường, bản thân tôi luôn học thêm tiếng Ê đê để tăng cường giao tiếp, hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số, tránh tình trạng bất đồng ngôn ngữ. Đối với học sinh, nếu biết cách khích lệ, động viên thì các em rất tự tin, nhất là các em dân tộc thiểu số. Vào đầu năm học, phần lớn các em đều rất nhút nhát. Tuy nhiên, qua thời gian, giáo viên thường xuyên nói chuyện, động viên, hỏi han về gia đình, sở thích nên nhiều em trở nên cởi mở hơn, gặp khó khăn gì cũng hỏi và nhờ cô. Từ đó, nhiều em trở nên mạnh dạn và bày tỏ chính kiến, thắc mắc của mình trong quá trình học tập. Trong lớp, tôi thường lập “đôi bạn cùng tiến” hay “nhóm bạn cùng tiến”, để những em có học lực khá hơn ngồi cạnh hỗ trợ, giúp đỡ cho những em học yếu, nhất là các em dân tộc thiểu số”.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, nên chất lượng giáo dục của trường ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ học sinh hoàn thành các mặt về năng lực và phẩm chất luôn đạt trên 95%. Học sinh lớp 2 đều đọc thông, viết thạo tiếng Việt. Nhà trường cũng là đơn vị tích cực tham gia và đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi do ngành Giáo dục tổ chức. Năm 2016, trường được công nhận danh hiệu trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Đây là cơ sở và là động lực để cán bộ, giáo viên nhà trường tiếp tục phấn đấu, thực hiện các mục tiêu ngày càng nâng cao chất lượng giáo dục.

Nguồn: Đắk Nông online