Trường mầm non Họa Mi ở xã Đắk D’rô: Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm
Lượt xem:
Trường mầm non Họa Mi ở xã Đắk D’rô (Krông Nô) hiện có 694 trẻ theo học ở các khối, lớp và được đánh giá là đơn vị dẫn đầu các phong trào thi đua bậc mầm non của huyện nhờ chất lượng giáo dục không ngừng được nâng cao.
Để đạt được kết quả đó, một trong những giải pháp được trường chú trọng thực hiện là xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.
Điển hình, trong giờ ngoại khóa với chủ đề “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” mới đây, nhiều hoạt động diễn ra sôi nổi, thu hút sự tham gia say mê của trẻ từng khối, lớp, tạo được nhiều ấn tượng đối với phụ huynh. Hoạt động ngoại khóa là dịp để các lớp đua tài với nhau và cũng trở thành ngày hội đối với trẻ. Qua mỗi hoạt động, giáo viên đều dạy cho trẻ được các kỹ năng liên quan như qua các trò chơi dân gian, các bài tập vận động, các tiết mục thi văn nghệ giữa các lớp, giúp trẻ hiểu hơn về tinh thần đồng đội, sự đoàn kết và nhất là phát triển các kỹ năng vận động.
Một trong những hoạt động thu hút được sự tham gia hứng thú của trẻ là “bữa tiệc” buffet, với các món ăn gần gũi và phù hợp với trẻ, được giáo viên trình bày đẹp mắt trên các khay, dĩa. Các lớp được xếp theo từng khu vực và trẻ xếp thành từng hàng và được tự lấy phần thức ăn của mình theo sở thích. Qua bữa ăn, giáo viên cũng giúp trẻ rèn luyện được các kỹ năng tốt, văn minh cho trẻ như không nói chuyện, biết nhường nhịn, biết xếp hàng theo thứ tự khi chọn thức ăn, lượng sức mình để lấy số lượng thức ăn phù hợp…
Chị Mai Thị Phượng, phụ huynh có con học lớp lá chia sẻ: “Con gái tôi trước đây rất nhút nhát và không thích tham gia các hoạt động cùng bạn bè. Từ ngày nhà trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, cô giáo giao nhiệm vụ cụ thể cho cháu thì thấy cháu hào hứng hơn. Tôi thấy các hoạt động ngoại khóa trường tổ chức rất ý nghĩa vì đều có thể rèn luyện được các kỹ năng cho các cháu. Điển hình như qua hoạt động trải nghiệm bán hàng, các cháu biết phân biệt các loại hàng, biết cách bán hàng và mời người mua hàng…”.
Cũng theo nhận định của nhiều phụ huynh khác, mặc dù hoạt động ngoại khóa đòi hỏi sự chuẩn bị và mất nhiều thời gian của giáo viên hơn nhưng qua từng hoạt động thấy được sự thay đổi dần ở mỗi trẻ. Ngoài hoạt động ngoại khóa ở các lớp, hàng năm trường tổ chức 2 hoạt động ngoại khóa toàn trường. Trong các giờ học, giáo viên cũng chú trọng sắp xếp, bố trí các góc học tập phù hợp nhằm phát huy tính sáng tạo của trẻ.
Theo Hiệu trưởng Đỗ Thị Ánh Hồng, các hoạt động ngoại khóa là cơ hội cho các lớp trao đổi, học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong thiết kế, xây dựng và sử dụng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm cũng như góp phần tuyên truyền đến các bậc phụ huynh, các ban ngành, đoàn thể địa phương, cộng đồng về sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc xây dựng môi trường giáo dục cho trẻ.
Việc huy động xã hội hóa cũng hiệu quả hơn, góp phần hoàn thiện các công trình phụ, thiết bị dạy học, xây dựng môi trường xanh, sạch đẹp. Điều thiết thực nhất là các hoạt động ngoại khóa đã giúp trẻ phát huy năng khiếu, sở thích cá nhân, mạnh dạn, tự tin, hứng thú hơn trong các hoạt động tập thể.
Trẻ được tham gia các trò chơi dân gian
Nhờ đó, chất lượng giáo dục trên các mặt của nhà trường ngày càng có sự chuyển biến rõ rệt. Hàng năm, tỷ lệ trẻ chuyên cần đạt trên 99%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng đạt ngưỡng mức thấp nhất theo tiêu chuẩn của trường đạt chuẩn quốc gia. Trường cũng là đơn vị đầu tiên của huyện được công nhận danh hiệu trường đạt chuẩn Quốc gia và nhiều năm liền được Bộ Giáo dục-Đào tạo tặng Cờ thi đua xuất sắc trong phong trào thi đua.
Theo Báo Đắk Nông