Toàn ngành triển khai nhiệm vụ năm học mới thích ứng với dịch bệnh
Lượt xem:
Ngày 12/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục Tiểu học. Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Ngành Giáo dục cần chuyển trạng thái để thích ứng với tình hình dịch bệnh, giảm thiểu các tổn thương, tác động tiêu cực đến giáo dục; đảm bảo an toàn phòng chống dịch và các yêu cầu chất lượng cốt lõi”.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì Hội nghị
Nỗ lực hoàn thành năm học khó khăn
Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên ngành Giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới (CT GDPT 2018) đối với lớp 1. Năm học diễn ra trong bối cảnh cả nước chịu ảnh hưởng của nhiều đợt dịch Covid-19, giáo viên, học sinh phải chuyển trạng thái từ dạy học trực tiếp theo sang dạy học trực tuyến và linh hoạt áp dụng các hình thức khác phù hợp với từng nhà trường, từng địa phương, để duy trì việc học khi học sinh không thể đến trường.
Báo cáo tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài cho biết, triển khai nhiệm vụ năm học trong bối cảnh khó khăn và khác biệt, toàn khối Giáo dục Tiểu học đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép: vừa tích cực phòng chống dịch Covid-19, vừa triển khai hiệu quả CT GDPT 2018 đối với lớp 1 và CT GDPT 2006 đối với các lớp 2, 3, 4, 5.
Theo đó, Bộ GDĐT ban hành nhiều văn bản để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn địa phương tổ chức thực hiện nhiệm vụ giáo dục Tiểu học, trong đó tập trung triển khai chương trình, sách giáo khoa mới. Căn cứ các hướng dẫn của Bộ GDĐT, các tỉnh/thành phố đã xây dựng kế hoạch dạy học bảo đảm hoàn thành CT GDPT cấp tiểu học phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Thực tế triển khai năm học 2020-2021 của bậc tiểu học cho thấy, các nhà trường đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt, năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên. Giáo viên dạy lớp 1 đã bước đầu áp dụng hiệu quả các phương pháp, kỹ thuật dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Kết thúc năm học, tất cả trường tiểu học đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh đáp ứng chuẩn đầu ra theo quy định. Trong đó, học sinh lớp 1 có một số mặt nổi trội hơn các lứa học sinh đã học chương trình 2006 như mạnh dạn, tự tin hơn và cơ bản là đọc thông, viết thạo ngay trong học kỳ 1, sau đó được củng cố tăng cường bền vững ở học kỳ 2.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài báo cáo tại Hội nghị
Thông tin về kết quả sau một năm triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 tại địa phương, Phó Giám đốc Sở GDĐT Nghệ An Đào Công Lợi cho biết: Chất lượng học sinh lớp 1 của Nghệ An năm nay hơn hẳn các năm trước. Ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, qua thực tế trực tiếp kiểm tra, tất cả học sinh lớp 1 đều đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình.
Cũng nhìn nhận tích cực về kết quả triển khai đối với lớp 1, đại diện lãnh đạo Sở GDĐT Hà Tĩnh cho rằng, chương trình và sách giáo khoa mới có nhiều điểm ưu việt, giúp giáo viên dễ thực hiên, học sinh dễ tiếp thu. Với những kết quả tích cực của học sinh lớp 1, ngành Giáo dục Hà Tĩnh có thêm động lực để tiếp tục chuẩn bị và thực hiện tốt CT GDPT 2018 ở các lớp tiếp theo.
Tại Hội nghị, một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ năm học 2020-2021 và triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đã được các địa phương chia sẻ, trong đó thiếu giáo viên và khó khăn trong tuyển dụng giáo viên là vấn đề chung của nhiều tỉnh/thành phố. Một số địa phương “tăng trưởng nóng” như Bình Dương, TPHCM còn nêu lên khó khăn, áp lực về cơ sở vật chất trường lớp để đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày.
Về kế hoạch năm học mới, các địa phương cho biết đều đã xây dựng các kịch bản, phương án phù hợp, linh hoạt với tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp để sẵn sàng bước vào năm học mới. Đồng thời, đề nghị Bộ GDĐT sớm có hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học mới để địa phương có căn cứ triển khai thực hiện.
Linh hoạt chuyển trạng thái để thích ứng và giảm tác động tiêu cực
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của đội ngũ giáo viên, các nhà trường, các cơ quan quản lý cấp Sở, Phòng trong một năm học vất vả vừa qua. Đồng thời, đề nghị có hình thức khen thưởng xứng đáng cho những tập thể, cá nhân đã làm tốt.
Nhận định về năm học mới, Bộ trưởng cho rằng, năm học mới diễn ra trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh khó lường. Cần phải nhận định đầy đủ, thấu đáo, thực tiễn về tình hình dịch bệnh, tình hình kinh tế – xã hội, ý thức đầy đủ các khó khăn và thách thức.
“Không như các lĩnh vực khác, một khi nền giáo dục bị tổn thương, thời gian để phục hồi sẽ rất dài. Vì thế, phải cố gắng hết sức để giảm thiểu những tổn thương đối với giáo dục”, Bộ trưởng nói, đồng thời nhấn mạnh, cần ưu tiên mọi biện pháp để toàn ngành chuyển trạng thái, thích ứng và giảm thiểu các tổn thương, các tác động tiêu cực.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị
Chuyển sang trạng thái bình thường mới, theo Bộ trưởng, là tùy vào từng nơi, bối cảnh, để hạn chế thấp nhất những tổn thương, ảnh hưởng; chuyển đổi và thích ứng với tình hình mới trong chỉ đạo, điều hành, kế hoạch, mục tiêu, phương pháp, cách thức.
“Chuyển trạng thái phải tính tới lâu dài chứ không chỉ tạm thời. Mọi sự điều chỉnh linh hoạt để thích ứng với dịch bệnh, đảm bảo an toàn trên cơ sở không thay đổi mục tiêu đảm bảo chất lượng. Lương tâm và trách nhiệm không thay đổi. Bất biến vấn đề chuẩn đầu ra và chất lượng, vạn biến về phương pháp”, Bộ trưởng nêu rõ.
Trong nguy cơ tổn thương và chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là bậc tiểu học. Thách thức riêng có thể nhìn thấy ở bậc tiểu học là các hạn chế về sức khỏe, thể lực, hạn chế trong sử dụng thiết bị công nghệ, khó khăn trong trong tương tác học tập trực tuyến…
Bậc học này còn có số lượng trường, điểm trường lớn, phân tán, cơ sở vật chất nhiều khó khăn. Ngoài ra, những biến động về nghề nghiệp, nơi ở, sinh kế, của các gia đình do ảnh hưởng của dịch bệnh, kinh tế khó khăn, dẫn tới nguy cơ trẻ em không đến trường, bỏ học… cũng sẽ là thách thức cho bậc học tiểu học trong năm học mới.
Trước những thách thức đặt ra, Bộ trưởng đề nghị, cần phát huy hơn nữa sự chủ động, sáng tạo của địa phương, giáo viên. “Giáo viên của chúng ta rất tâm huyết, năng động, không ngại khó, đang thích ứng nhanh với công nghệ và môi trường làm việc trực tuyến; cần phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm đó của giáo viên. Các địa phương cũng cần điều chỉnh cơ chế chính sách và chuẩn bị cơ sở vật chất cho phù hợp với điều kiện thực tế”.
Về kế hoạch năm học, Bộ trưởng lưu ý, các địa phương triển khai kế hoạch sao cho linh hoạt, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, tận dụng tối đa thời gian vàng để dạy trực tiếp. Đồng thời, linh hoạt trong quá trình thực hiện kế hoạch năm học, linh hoạt trong thực hiện chương trình và triển khai nội dung dựa theo chuẩn đầu ra và yêu cầu nội dung cốt lõi chương trình học.
Trên cơ sở chương trình chung, Bộ trưởng yêu cầu Vụ Giáo dục Tiểu học sớm ban hành hướng dẫn những nội dung giảng dạy cốt lõi, căn bản cho bậc tiểu học, ưu tiên giảng dạy những nội dung cốt lõi, căn bản theo hình thức trực tiếp nếu có thể. Đồng thời, cân nhắc về kiểm tra, đánh giá sao cho phù hợp.
Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục Tiểu học được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 1 điểm cầu tại Bộ GDĐT, 63 điểm cầu tại Sở GDĐT và hơn 815 điểm cầu tại Phòng GDĐT và một số trường tiểu học. Một số nhiệm vụ cụ thể của giáo dục tiểu học trong năm học mới được Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý gồm: Rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp học, quan tâm đến các đối tượng chính sách, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục; chủ động xây dựng kịch bản triển khai năm học phù hợp với thực tiễn địa phương; quan tâm nhiều hơn nữa đội ngũ giáo viên; tiếp tục quan tâm đến đổi mới phương pháp, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường; tăng cường công tác kiểm định chất lượng giáo dục; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học; quyết tâm thực hiện chuẩn hóa trong giáo dục; đổi mới công tác quản lý giáo dục. |