Tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017: Bảo đảm an toàn, hiệu quả, đúng quy chế, không gây áp lực cho thí sinh
Lượt xem:
Với nhiều điểm mới trong Quy chế thi THPT Quốc gia năm 2017, Ban Chỉ đạo thi THPT Quốc gia tỉnh Đắk Nông và ngành Giáo dục đã chủ động chuẩn bị các phương án, giải pháp để tổ chức kỳ thi an toàn, hiệu quả, đúng quy chế. Trong đó, việc giảm thiểu áp lực cho thí sinh và phụ huynh trong kỳ thi là một trong những mục tiêu được chú trọng thực hiện.
Cần chung tay vào cuộc
Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 sẽ diễn ra trong 3 ngày từ ngày 22 đến 24/6/2017. Theo số liệu thống kê mới nhất của Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT), kỳ thi năm nay có 6.069 thí sinh đăng ký dự thi; trong đó có 5.793 thí sinh giáo dục phổ thông, 276 thí sinh thuộc các trung tâm giáo dục thường xuyên và 785 thí sinh tự do.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở GD-ĐT, kỳ thi năm nay do Sở GD-ĐT chủ trì nên khối lượng công việc và trách nhiệm nặng nề hơn. Quy chế kỳ thi cũng có nhiều thay đổi, nên đơn vị đã chủ động lập kế hoạch, phương án tổ chức phù hợp, nhất là chú trọng tạo sự liên kết, vào cuộc của cả cộng đồng. Kỳ thi năm nay dù ít điểm thi hơn, nhưng rải rác ở tất cả các địa bàn. Vì vậy, đơn vị đã tham mưu các địa phương có điểm thi đều phải có thành viên trong Ban Chỉ đạo của tỉnh để kịp thời phối hợp, hỗ trợ các điều kiện cần thiết.
Cũng theo ông Toàn, để kỳ thi đạt hiệu quả cao còn cần sự vào cuộc của các xã, thôn, bon. Cụ thể như trong việc xác định các nguyên nhân thí sinh bỏ thi, xét đặc cách thi cho thí sinh… Các sở, ngành liên quan cũng cần phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong nhiệm vụ được giao. Điển hình như ngành Y tế cần rút kinh nghiệm những năm trước để bố trí lực lượng túc trực thường xuyên ở các điểm thi cũng như phổ biến cách thức liên hệ để kịp thời nắm bắt và xử lý các tình huống xảy ra.
Vì điểm thi dàn trải, nên lực lượng an ninh cần lường trước các phương án và có kế hoạch xử lý kịp thời để bảo đảm mọi điều kiện cho thí sinh dự thi, nhất là các điểm thi ghép. Lực lượng cảnh sát giao thông cũng cần phối hợp chặt chẽ, góp phần bảo đảm an toàn giao thông vì hầu hết các điểm thi đều nằm trên trục quốc lộ.
Sở GD-ĐT sẽ phối hợp chặt chẽ với Trường Đại học Giao thông-Vận tải TP. Hồ Chí Minh cả trước, trong và sau kỳ thi. Tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi về nơi ở, sinh hoạt và cả kinh phí cho lực lượng cán bộ coi thi của đơn vị phối hợp. Đến thời điểm này, ngành Giáo dục đã tuyển chọn được lực lượng cán bộ coi thi và tiến hành tập huấn các quy chế, kỹ năng coi thi. Cán bộ, giáo viên được tuyển chọn là những người có kinh nghiệm, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm cao.
Tạo mọi điều kiện cho thí sinh yên tâm dự thi
Phát biểu tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo thi THPT Quốc gia tỉnh mới đây, ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng, trước đây, mỗi kỳ thi tốt nghiệp thường tạo áp lực rất lớn cho thí sinh và phụ huynh, thậm chí là cả xã hội phải đi thi. Tuy nhiên, với nhiều thay đổi trong quy chế, việc đi thi dần đơn giản và ít tạo áp lực hơn cho thí sinh và phụ huynh. Việc tổ chức thi tại chỗ là điều kiện thuận lợi để thí sinh ổn định tâm lý, không phải di chuyển nhiều. Mỗi lần có con em đi thi, phụ huynh không tốn kém nhiều chi phí và thời gian. Cả xã hội sẽ quan tâm đến việc đi thi cử của thí sinh nhưng không phải cùng “đi thi” như trước đây nữa. Ban Chỉ đạo tỉnh và ngành Giáo dục sẽ chú trọng tạo mọi điều kiện cho thí sinh yên tâm dự thi.
Theo đó, để tạo điều kiện thuận lợi trong việc di chuyển cho thí sinh, toàn tỉnh chia thành 15 điểm thi tại 7 huyện, thị xã với 257 phòng thi. Riêng thí sinh đăng ký dự thi của Trường THPT Lê Duẩn (Đắk Glong) sẽ thi tại điểm Trường phổ thông DTNT N’Trang Lơng (Gia Nghĩa). Thí sinh của Trường THPT Lê Quý Đôn (Tuy Đức) và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên Tuy Đức sẽ thi tại điểm Trường THCS Nguyễn Du ở thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp). Đối với những thí sinh thi ghép, Ban Chỉ đạo yêu cầu các điểm thi, địa phương tạo mọi điều kiện và sắp xếp, bố trí chỗ nghỉ ngơi bảo đảm an toàn ở các trường nội trú.
Việc hỗ trợ cho học sinh cũng có sự chọn lọc hơn, chủ yếu là những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn phải di chuyển điểm thi. Cụ thể, toàn tỉnh sẽ có 289 thí sinh được hỗ trợ kinh phí đi lại, ăn ở, với khoảng 400.000 đồng/em. Để thí sinh chủ động, các nhà trường đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy chế thi, tiến hành ôn tập và tổ chức các kỳ thi thử nghiệm, giúp các em làm quen. Đến thời điểm này, hầu hết các trường đều đã tổ chức ít nhất 1 lần thi thử để học sinh làm quen với việc ra đề thi mới cũng như việc phân bổ thời gian làm bài thi, nhất là các bài thi tổ hợp.
Phát biểu tại cuộc họp mới đây, đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thi THPT Quốc gia tỉnh nhấn mạnh: Việc tổ chức kỳ thi phải bảo đảm trung thực, khách quan, an toàn, hiệu quả, đúng quy chế nhưng không gây áp lực cho học sinh. Để làm được điều đó, tất cả các đơn vị liên quan cần có sự phối hợp nhịp nhàng, tạo sự đồng thuận cao trong phụ huynh, xã hội. Riêng ngành Giáo dục cần chủ động kiểm tra và chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, con người để phục vụ cho kỳ thi. Các đơn vị liên quan cần lường trước hết các tình huống có thể xảy ra để hỗ trợ tốt nhất cho thí sinh. Riêng về kinh phí, Sở Tài chính cần phân bổ hợp lý và kịp thời để các đơn vị thuận lợi trong thực hiện các nhiệm vụ.
Theo Báo Đắk Nông