Thương học trò, thầy cô ăn cá khô, rau rừng bám trường lớp
Lượt xem:
Công tác nơi vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Nông nên nhiều giáo viên phải ở luôn tại trường. Cuộc sống nội trú khó khăn, thiếu thốn nhưng vì tình thương dành cho học trò của mình mà thầy cô vẫn cố gắng bám trường bám lớp.
Trường kỳ cá khô, rau rừng
Thầy Trần Ngọc Anh về công tác tại trường PTCS Nguyễn Khuyến (thôn Năm Tầng, xã Đắk R’La, huyện Đắk Mil, Đắk Nông) khi đây chỉ là phân hiệu của trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai. Ngôi trường nhỏ nằm cách trung tâm xã gần hai tiếng đồng hồ đi xe máy nên gần 10 năm nay thầy ở luôn trong khu nhà nội trú, chỉ cuối tuần thầy Anh mới về nhà thăm gia đình một lần.
Vừa tranh thủ soạn bài, vừa nấu vội bữa cơm trưa, thầy Anh cho biết, những năm trước khi chưa có điện, chưa có đường giao thông, người dân ở đây sống theo kiểu tự cung tự cấp. “Giáo viên ở trường cả tuần cũng chỉ ăn cá khô với rau rừng nhưng so với học sinh đến trường chỉ ăn cơm trắng với muối, đời sống của giáo viên như vậy là tốt hơn nhiều. Bây giờ may mắn khi đã có điện, nên thầy cô giáo không phải lo đi kiếm củi nấu nướng nữa, thức ăn thì chỉ khi nào có thầy cô từ ngoài xã vào, chúng tôi mới có dịp đổi món”, thầy Anh chia sẻ.
Công tác tại vùng sâu, các thầy cô phải tự trồng rau xanh
Cũng gần 10 năm gắn bó với xã vùng cao Đắk R’Măng, cô Trần Thị Xoan, hiệu trường trường Tiểu học Vừa A Dính (xã Đắk R’Măng, huyện Đắk G’Long) chứng kiến từng ngày mảnh đất này thay da, đổi thịt. Hiện nay, tuy kinh tế người dân đã được cải thiện, nhưng đói nghèo vẫn đeo bám họ, đời sống của thầy cô giáo ở đây cũng vất vả, thiếu thốn đủ bề.
Là hiệu trưởng, cô Xoan thấu hiểu những khó khăn của các thầy cô đang công tác tại trường. Cô bộc bạch: “Từ nhiều năm nay, tôi quyết định ở lại trường để cùng sinh hoạt, làm việc với đồng nghiệp. Các thầy các cô chịu được vất vả, không lẽ nào tôi bỏ về nhà”.
Cô bảo, đến bây giờ bữa cơm của giáo viên cũng chủ yếu là rau xanh, cá khô và cá hộp. Rau xanh thì trồng được nhưng đến mùa khô thầy cô giáo thay phiên nhau đi tìm măng hoặc hái rau rừng, bắp chuối. Cá khô thì có nhà một cô giáo ở vùng biển nên mỗi lần gửi cả chục kí để ăn dần. Riêng chuyện mắm muối cũng phải dùng tiết kiệm, bởi phải đi rất xa mới mua được những thứ này.
“Bây giờ có cải thiện hơn vì một tuần được một hai bữa thịt cá tươi, nhưng do đồng bào Mông chỉ họp chợ cuối tuần nên sau ngày thứ hai, chúng tôi lại quay lại với những món ăn “truyền thống””, cô Xoan nói giọng hài hước.
Sống chen chúc trong căn phòng 12m2
Không chỉ có bữa ăn thiếu thốn mà ngay cả nơi ở cho các thầy cô giáo cũng gặp khó khăn. Những dãy nhà nội trú đơn sơ đến mức tuềnh toàng nhiều năm nay trở thành nơi che mưa, che nắng của những người cắm bản dạy chữ.
Để có chỗ nấu ăn, các thầy cô xin gỗ và tôn rách của người dân quây tạm thành chiếc bếp
Nhà công vụ trường Tiểu học Kim Đồng (xã Long Sơn, huyện Đắk Mil) hiện là nơi ở, làm việc cho các thầy cô giáo trong trường. Gọi là nhà công vụ song cả 3 phòng của ngôi nhà này đều được xây dựng từ lâu, chật hẹp và đã xuống cấp. 3 phòng học cũ khác cũng được ngăn ra làm chỗ ở cho giáo viên, trên trần phải căng một tấm lớn để che đi những lỗ thủng và nham nhở vết mối mọt.
Trong khu nhà công vụ, hoàn cảnh gia đình cô Võ Thị Thủy đặc biệt hơn cả. Cô Thủy công tác tại trường từ năm 2010, một mình sống trong căn phòng công vụ nên mọi sinh hoat không có gì bất tiện. Tuy nhiên từ ngày cô lập gia đình rồi sinh con, có thêm người thân từ quê vào chăm sóc, căn phòng 12m2 trở thành nơi sinh hoạt của 4 người.
Vì chật chội nên mọi ngóc ngách trong nhà đều được tận dụng hết, chỉ còn lại một lối đi giữa nhà. Nữ giáo viên tâm sự: “Chúng tôi cũng cố gắng sửa chữa, nhưng không thể đáp ứng được nhu cầu ở và sinh hoạt, nhất là khi có con nhỏ. Cả hai vợ chồng tôi đều là giáo viên, không có chỗ ngồi làm việc riêng, nên hàng tối phải thay nhau soạn bài, có khi 2 giờ sáng mới đi ngủ”.
Dãy nhà nội trú của giáo viên trường Tiểu học Tô Hiệu (xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức) trước đây là dãy phòng học. Từ khi trường học mới được xây dựng, dãy phòng cũ được tận dụng để làm nơi ở cho các thầy cô giáo. Ba căn phòng, mỗi phòng rộng chừng 12m2 là nơi sinh hoạt, làm việc của hơn chục thầy cô giáo. Trong đó một phòng được dành cho giáo viên đã có gia đình, hai phòng còn lại dành cho những thầy cô độc thân.
Cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Hiền cho biết, trường có nhiều giáo viên từ nơi xa đến công tác, lập nghiệp, nên luôn có nhu cầu ở nhà công vụ. Tuy nhiên, do không có cơ sở vật chất nên nhiều cán bộ, giáo viên phải sống trong căn nhà công vụ chật chội, xuống cấp này. “Để nấu ăn, các thầy cô xin người dân mấy tấm ván cũ, tôn rách, quây lại thành cái bếp nhỏ. Vào mùa khô thì không sao, chứ mùa mưa thì trong bếp với ngoài trời đều ướt nhẹp như nhau”, cô Hiền thông tin thêm.
Trao đổi với PV Dân trí, thầy Lường Xuân Thành, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Đắk Mil cho biết, đơn vị đang tham mưu với huyện tăng nguồn vốn để xây nhà công vụ cho những trường những xã đặc biệt khó khăn như xã Long Sơn, Đắk R’la, Đắk N’drót. Công đoàn ngành cũng sẽ tham mưu công đoàn cấp trên để quan tâm hơn nữa đến việc chăm lo cho đời sống của cán bộ, giáo viên, giúp giáo viên “an cư lập nghiệp”.