Thương học sinh, lặng thầm cống hiến
Lượt xem:
Dù chịu nhiều thiệt thòi nhưng với tình yêu nghề, thương trò, giáo viên ở các trường vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số đã có những cách làm, hình thức cống hiến của riêng mình và đều cùng hướng đến một mục tiêu vì học sinh thân yêu.
Lo bữa ăn cho học sinh
Đối với giáo viên ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số thì đi dạy không chỉ đơn thuần là dạy tốt mà còn là sự cố gắng hơn nhiều lần để khắc phục điều kiện khó khăn trong cuộc sống cũng như chuyên môn. Nhiều câu chuyện về giáo viên vùng sâu, vùng xa bám trường, bám lớp xúc động vẫn luôn diễn ra hàng ngày.
Cô giáo Nguyễn Thị Nga, Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm ở xã Đắk Ngo (Tuy Đức) là một trong những giáo viên trẻ của trường. Điểm trường cách trung tâm xã hơn 5 km nhưng cô giáo phải đi mất khoảng 30 phút vì đường đi lại khó khăn. Để có thể duy trì sĩ số học sinh, trường đã huy động xây dựng một bếp ăn bán trú. Các giáo viên tự nguyện thay nhau ở lại làm đầu bếp, bảo mẫu, lo bữa trưa cho học sinh của mình.
Giáo viên Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, xã Đắk Ngo góp công, góp kinh phí duy trì bếp ăn bán trú cho học sinh |
Cô giáo Nga tâm sự: “Tôi phải thuê một bác ở nhà trông con nhỏ vì chồng cũng bận công việc, mỗi tháng tiền lương vừa chi đủ cho bảo mẫu. Nhà trường đã tạo nhiều kiện, nhưng thấy giáo viên ai cũng khó khăn như mình nên tôi phải chịu khó chia sẻ. Vì học sinh học cả ngày mà không ở lại buổi trưa thì các em thường hay nghỉ học luôn buổi chiều. Đường khó khăn, giáo viên đi lại còn vất vả, nên nhiều học sinh ở xa cả hơn 10 km đi bộ càng tội hơn”.
Đồng nghiệp là cô giáo Đào Thị Lệ Huyền chia sẻ: “Bình thường thì buổi trưa tôi dành thời gian cho gia đình nhưng giai đoạn này gần như dành hết cho học sinh. Trường đã chắt chiu, kêu gọi, cán bộ, giáo viên bỏ công sức mới duy trì được bếp ăn bán trú, nên hầu như ai cũng sẵn sàng ở lại để phụ giúp học sinh có được bữa ăn trưa đàng hoàng, có sức học thêm vào buổi chiều”.
Bám trường, bám lớp
Trong dịp đến điểm Trường tiểu học La Văn Cầu ở cụm 8, xã Đắk R’măng (Đắk Glong) mới đây, thấy 12 học sinh dựng chòi trên đồi để học, tôi không những cảm nhận về tinh thần hiếu học của các em mà còn cảm phục hai cô giáo đang bám trụ để dạy học. Một phòng học chưa sử dụng đến được làm nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt cho hai cô giáo. Giường ngủ là những chiếc bàn kéo ghép vào nhau. Góc bếp rất đơn giản với cái bếp gas mini và mỗi bữa ăn chỉ có nồi cơm, cá kho mặn, canh rau rừng.
Điểm trường nằm trên đồi cao, cách trung tâm xã gần 20 km. Để giúp học sinh được học cả ngày và có thêm thời gian kèm học sinh yếu, các cô giáo H’Hà và H’Soàn quyết định ở lại trường.
Học sinh Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, xã Đắk Ngo có được bữa ăn trưa tại trường nên tỷ lệ nghỉ học buổi chiều giảm hẳn |
Cô giáo H’Hà chia sẻ: “Ở đây không có chợ nên thường một tuần chúng tôi về dưới xã một lần để mua các nhu yếu phẩm thiết yếu, chủ yếu là gạo, các loại củ quả để được lâu. Thịt, cá thì phơi một nắng lên để dành ăn vì không có tủ lạnh. Nhiều hôm bận dạy, tôi nấu luôn cơm ăn cả ngày”.
Cô giáo H’Soàn tâm sự: “Đường đi lại khó khăn, giáo viên dạy học cả ngày nên phải ở lại, nhiều lúc cũng buồn vì ở đây heo hút. Ban ngày còn có học trò, bận bịu dạy nên cũng đỡ hơn. Đêm đến, nhiều lúc cũng hơi buồn vì cảnh đồi núi hiu quạnh, bạn bè thì không có. Nhưng nghĩ học sinh đang cố gắng từng ngày đến trường, học từng mặt chữ, nên chúng tôi xem đây là động lực để cố gắng hơn, kiên trì bám trụ”.
Kêu gọi giúp đỡ học sinh
Cô giáo Huỳnh Thị Thùy Dung, Trường tiểu học Võ Thị Sáu ở xã Đắk Nang (Krông Nô) là người gần như quen thuộc đối với học sinh, phụ huynh trong vùng. Là giáo viên tiếng Anh, cô giáo Dung không những dạy giỏi mà còn có những hoạt động thiết thực để giúp đỡ học sinh của mình. Nhiều em có thêm cơ hội đến trường, thực hiện ước mơ học cao hơn nhờ vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của cô giáo Dung.
Những năm trước đây, trường có rất nhiều học sinh bỏ học giữa chừng do nhà xa, do không có điều kiện, do phong tục nghỉ học sớm để lao động giúp bố mẹ hay lấy vợ lấy chồng. Trăn trở vì thương học sinh, cô giáo Dung đã kêu gọi, vận động cộng đồng để có thể giúp đỡ các em từ đôi dép, quần áo, sách vở đến chiếc xe đạp để có thể tiếp tục đến trường…
Cô giáo Huỳnh Thị Thùy Dung kêu gọi xây dựng nhà ở cho học sinh nghèo ở xã Đắk Nang |
Thấy học trò học cả ngày nhưng bữa trưa chỉ ăn cơm nắm đựng trong bịch nilon, thậm chí nhiều em không có cơm ăn nên ngất xỉu trong giờ học buổi chiều, cô giáo Dung đã đứng ra kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ được từ 2-3 bữa ăn trưa/tuần. Đến năm 2019, từ nỗ lực kêu gọi, kết nối của cô giáo Dung, học sinh đã có bếp ăn bán trú, có chỗ ngồi ăn đàng hoàng, không phải trải bạt ngồi giữa sân trường như trước nữa. Từ đó, bếp ăn đã hỗ trợ cho bình quân 220 học sinh được ăn tại trường, hầu hết có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, nhà xa trường…
Sau đó, từ chỗ hỗ trợ được cơ bản cho học sinh khó khăn của trường các điều kiện để học tập, cô giáo Dung bắt đầu lan tỏa sự hỗ trợ đến học sinh các trường học khác trên địa bàn huyện Krông Nô. Chỉ cần trường nào thông báo có trường hợp đặc biệt, cô giáo Dung đều đứng ra kêu gọi, kết nối với các nhà hảo tâm để có hình thức giúp đỡ, hỗ trợ phù hợp.
Cô giáo H’Soàn luôn đổi mới phương pháp dạy học để giúp học sinh tiến bộ hơn |
Không những vậy, cô giáo Dung còn triển khai các hoạt động giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh bị bệnh nan y, bệnh bẩm sinh, bệnh tim… Hình thức hỗ trợ chủ yếu như kết nối với các bệnh viện, các chương trình chữa bệnh miễn phí và chu cấp kinh phí cho các em hằng tháng. Các trường học gặp khó khăn, cô giáo Dung cũng kêu gọi hỗ trợ lắp các máy lọc nước hay đào giếng nước sạch…
Ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT chia sẻ: “Giáo viên bây giờ không chỉ phấn đấu dạy tốt mà còn tìm mọi cách để giúp học sinh học tốt bằng việc tạo điều kiện cho các em trong khả năng có thể. Nhiều giáo viên đã lặng thầm cống hiến, thật sự là những tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất”.