Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đăng ký dự thi trực tuyến tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng
Lượt xem:
Sáng 9/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2022 thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các kết quả đã đạt được và ghi nhận các Bộ, ngành, địa phương trong triển khai Đề án. Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ tướng nhấn mạnh: “Đăc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo, triển khai đăng ký dự thi trực tuyến cho gần 1 triệu thí sinh, đạt 93,1%, tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng chi phí cho người dân. Rất là thiết thực!”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Trong khuôn khổ Hội nghị, báo cáo tham luận của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) do Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn trình bày nêu rõ: Trong Đề án 06, ngành Giáo dục có hai nhiệm vụ trọng tâm. Đó là: kết nối dữ liệu cơ bản hoàn thành, đạt khoảng 80%; và hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống đăng ký dự thi cùng với xét tuyển trực tuyến đối với thí sinh lớp 12.
Năm 2022, hệ thống này hướng tới giúp toàn bộ việc khai báo thông tin của thí sinh lớp 12 và thí sinh tự do đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học (nộp các hồ sơ, minh chứng, giấy tờ) được thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Thông tin của 1 triệu thí sinh phải kết nối với cơ sở dữ liệu ngành để thí sinh không phải khai lại thông tin cá nhân đã có sẵn trong cơ sở dữ liệu ngành và chỉ bổ sung thông tin cần thiết của kỳ thi.
Với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân (học sinh và phụ huynh học sinh), Bộ GDĐT đã triển khai nâng cấp và mở rộng nền tảng đăng ký xét tuyển cũng như xử lý nguyện vọng trực tuyến cho trên 900 ngàn thí sinh có nguyện vọng vào đại học, cao đẳng. Nền tảng này có trên 900 nghìn thí sinh tương tác, trên 300 trường đại học, cao đẳng tham gia; với 20 phương thức xét tuyển khác nhau năm 2022; trên 400 nghìn lượt mã ngành.
Thông thường, trung bình 1 thí sinh đăng ký khoảng 4 nguyện vọng, thì hệ thống đảm nhiệm xử lý gần 4 triệu nguyện vọng. Do đó, “hệ thống đăng ký xét tuyển phải xử lý làm sao đảm bảo công bằng, quyền lợi cao nhất cho thí sinh; loại bỏ được lượng thí sinh ảo tại các trường”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định. Ngoài ra hệ thống có nhiệm vụ kết nối dữ liệu học tập của học sinh ở phổ thông, dữ liệu học bạ cùng kết quả thi tốt nghiệp THPT để phục vụ xét tuyển. Cùng với đó là nhiệm vụ thanh toán lệ phí trực tuyến bằng các phương thức khác nhau, trên các nền tảng khác nhau.
Quá trình xây dựng hệ thống đã không tránh khỏi những khó khăn số lượng thí sinh lớn, hàng triệu thí sinh có thể truy cập cùng một lúc trong thời gian ngắn; yêu cầu rất cao để đảm bảo sự thuận tiện, độ chính xác, tin cậy, tuyệt đối không để xảy ra sai sót. Thời gian thực hiện triển khai nhiệm vụ này rất ngắn, chỉ có 4 tháng từ tháng 1 đến tháng 5 phải đưa vào sử dụng, trong khi nguồn lực hạn hẹp, hạ tầng công nghệ của Bộ GDĐT còn yếu. Ngoài ra còn có những khó khăn khác như tâm lý sợ rủi ro, khả năng tiếp cận internet không đồng đều giữa các địa phương, hình thức thanh toán trực tuyến và việc kết nối cơ sở dữ liệu dân cư đều mới mẻ,…
Việc triển khai đề án cũng có nhiều thuận lợi, đó là sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ; sự phối hợp hiệu quả, hỗ trợ chặt chẽ từ các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công an, giúp việc kết nối dữ liệu cũng như rà soát hệ thống bảo mật, an toàn; kinh nghiệm triển khai của ngành Giáo dục và của các trường đại học.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tham luận tại Hội nghị
Cho đến nay, toàn bộ hệ thống phần mềm đã hoàn thành. Hệ thống hạ tầng công nghệ cũng đã được nâng cấp, chức năng an toàn bảo mật đảm bảo kết nối và thực hiện. Hạ tầng đường truyền được xử lý đầu tư nâng cấp. Theo thống kê, trên 93% thí sinh đã đăng ký trực tuyến. Hệ thống hoạt động hoàn toàn trơn tru, hiệu quả trên Cổng thông tin dịch vụ công của Bộ và Cổng dịch vụ công quốc gia. Có thời điểm cao nhất khoảng 140.000 truy nhập, hệ thống vẫn đảm bảo hoạt động bình thường.
Đến thời điểm này, trong việc đăng ký xét tuyển, trên 50% thí sinh, tương ứng với khoảng 450.000 thí sinh cùng 2 triệu nguyện vọng đã được đăng ký với tất cả các phương thức xét tuyển khác nhau.
Bên cạnh đó, dữ liệu từ phổ thông lên đại học đã được kết nối liên thông, kết quả nhất quán theo mã định danh điện tử ở tất cả các cấp học. Cơ sở dữ liệu về điểm thi tốt nghiệp THPT, học bạ và các dữ liệu khác đã sẵn sàng để phục vụ cho các trường xét tuyển.
Phần mềm cũng đã chuẩn bị sẵn sàng nền tảng thanh toán lệ phí sơ tuyển qua 15 kênh khác nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh xét tuyển bằng các phương thức khác nhau ở các vùng khác nhau.
Nhìn chung, công tác triển khai nói trên được các địa phương đánh giá rất cao. Bộ GDĐT nắm được đầy đủ thông tin, dữ liệu thi, tuyển sinh trên toàn quốc, kết nối thông suốt dữ liệu ngành, phục vụ hiệu quả chức năng quản lý nhà nước. Thứ trưởng nhấn mạnh: “Bên cạnh thuận tiện, giảm công sức và chi phí, giảm sai sót trong quá trình đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển, còn là sự thay đổi nhận thức và tạo ra niềm tin, từng bước nâng cao năng lực số cho học sinh, giáo viên”.
Để đạt được những kết quả trên, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề cập đến 4 bài học kinh nghiệm. Thứ nhất là chọn việc, chọn việc trọng tâm, trọng điểm, có tác động lớn, hiệu quả cao. Thứ hai là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chọn người, chọn đơn vị có đủ năng lực để triển khai quyết liệt, thường xuyên sâu sát, thay đổi nhận thức. Thứ ba là tổ chức thực hiện với nỗ lực cao, có kịch bản chi tiết, luôn luôn đứng về phía người sử dụng. Thứ tư là truyền thông và tập huấn để thuyết phục, để hướng dẫn sử dụng phần mềm tránh sai sót.
Căn cứ những vướng mắc chính trong quá trình thực hiện, đại diện lãnh đạo Bộ GDĐT, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đưa ra một số đề xuất. Trong đó, Ban chỉ đạo Đề án chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng kế hoạch nhiệm vụ chính, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm để có kế hoạch rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý, cũng như xây dựng dự toán kinh phí, bố trí nguồn lực để thực hiện.
Thông tin từ Cục Công nghệ thông tin (Bộ GDĐT), những vấn đề cần tiếp tục thực hiện Đề án 06 trong lĩnh vực giáo dục bao gồm: Thu thập, chuẩn hóa thông tin định danh đối với cán bộ ngành Giáo dục và học sinh; Tích hợp dịch vụ công trực tuyến công nhận văn bằng trển Cổng dịch vụ công quốc gia, kết nối dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Xây dựng cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học; Kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và các hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu khác của Bộ GDĐT; Cải cách thủ tục hành chính phục vụ phát triển Chính phủ điện tử và Chính phủ số của Bộ GDĐT.
Tại Hội nghị, các cơ quan đã chính thức công bố ứng dụng VneID là ứng dụng công dân số quốc gia. Thông qua VneID, cho phép người dân cập nhật thêm các thông tin cá nhân lên hệ thống CSDLQG về dân cư như trình độ học vấn, quan hệ họ hàng; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tiêm chủng, giấy phép lái xe, tài khoản ngân hàng, viễn thông, công chức, viên chức, đảng viên… Phấn đấu đến cuối năm 2022, đầu năm 2023 sẽ có khoảng 3-5 triệu người dân sử dụng VneID, với tốc độ tăng ít nhất 5% mỗi tháng; cung cấp 8-10 tiện ích nghiệp vụ ngành công an như tố giác tội phạm, phòng, chống cháy nổ, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, khai báo tạm trú, tạm vắng…; cung cấp 8-10 tiện ích cho người dân như định danh, xác thực người dân, dịch vụ ngân hàng, mua sắm, thanh toán, giáo dục, y tế, di chuyển nội địa, dịch vụ tiện ích cho nhóm đối tượng yếu thế như người già, trẻ em, người có công, người dân tộc thiểu số, người gặp khó khăn tiếp cận công nghệ thông tin… |