Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Xây dựng niềm tin cho xã hội về giáo dục
Lượt xem:
GD&TĐ – Dù có nhiều thách thức, nhưng năm học vừa qua, ngành GD&ĐT đã đạt nhiều kết quả tích cực; nhất là kỳ thi THPT quốc gia, xét tuyển ĐH, CĐ năm 2019 nền nếp hơn, chất lượng hơn hẳn năm 2018, tạo niềm tin cho toàn xã hội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhận định như vậy tại Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2019-2020.
Ngành Giáo dục đã có nhiều đóng góp nổi bật
Chia sẻ khi mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng ghi nhận sự có mặt của nhiều lãnh đạo trung ương, địa phương; điều đó chứng tỏ sự quan tâm đến GD&ĐT. “Lịch sử và kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, không có một kỳ tích kinh tế, hay bước nhảy vọt nào của xã hội mà không gắn với những đột phá về GD&ĐT” – Thủ tướng khẳng định.
Thay mặt Chính phủ biểu dương những nỗ lực của toàn ngành Giáo dục, Thủ tướng Chính phủ đánh giá một số điểm nhấn mà ngành Giáo dục đã đạt được trong thời gian vừa qua.
Theo đó, với quyết tâm của Chính phủ, sự ủng hộ của Quốc hội, chúng ta đã tạo ra được hành lang pháp lý khá tốt cho ngành Giáo dục, đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục (năm 2019) đã được thông qua.
Thông tin cũng rất đáng mừng là Việt Nam đã phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt con số khiến thế giới ngạc nhiên, đó là 99,98% số tẻ em 5 tuổi đã đến trường.
Chất lượng đại trà và mũi nhọn của ngành Giáo dục đều tăng. Báo cáo đánh giá thường niên về chỉ số phát triển bền vững do Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc và Quỹ nghiên cứu phát triển của Đức (Bertelsmann Stiftung) công bố: Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á về chỉ số phát triển bền vững; trong 5 chỉ số thì giáo dục đứng thứ 2 với 91/100 điểm.
Về giáo dục ĐH, chúng ta đã có 2 ĐH được vào top 1.000 ĐH hàng đầu thế giới; 7 ĐH được vào tốp các trường ĐH hàng đầu Châu Á. “Đó là cố gắng lớn” – Thủ tướng nhận định.
Đặc biệt nhấn mạnh đến kết quả kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm nay, Thủ tướng cho rằng đã để lại ấn tượng tốt, công khai, minh bạch, khách quan, chặt chẽ, khiến xã hội, phụ huynh tin tưởng hơn. Đây là nền tảng để chúng ta tiếp tục tổ chức năm sau bài bản và chặt chẽ hơn.
Bên cạnh đó, dù còn khó khăn, nhưng hệ thống trường lớp tiếp tục được đầu tư phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của nhân dân. Cơ sở vật chất trường lớp học được nâng lên. Năm học này, đã có gần 15 nghìn phòng học, trên 38 nghìn công trình nước sạch và khoảng 60 nghìn nhà vệ sinh được xây mới.
Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp được nâng lên và chuẩn hóa; cơ quan quản lý giáo dục các cấp đã chủ động hoạch định các chính sách cho đội ngũ cũng như công tác chuẩn bị về số lượng, chất lượng đội ngũ. Để bảo đảm có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp, trong bối cảnh tinh giản biên chế, Chính phủ vẫn bổ sung trên 23 nghìn giáo viên mầm non cho 19 tỉnh.
Ngành GD&ĐT cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính. Đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu toàn quốc về giáo dục. Hiện có thông tin về gần 53 nghìn trường học; 1,5 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, gần 23 triệu hồ sơ học sinh, sinh viên; xây dựng hệ thống kho học liệu điện tử với 5 nghìn bài giảng điện tử, đóng góp vào hệ tri thức Việt số hóa…
Giáo dục nhiều vùng trũng đã vươn lên, có chuyển biến tốt hơn; tạo niềm tin trong lãnh đạo, chỉ đạo trong năm học mới.
Bộ GD&ĐT đã ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo Thủ tướng, đó cũng là một điểm nhấn quan trọng của năm học vừa qua.
“Nhưng quan trọng nhất là sự chuyển mình về nhận thức của cấp ủy chính quyền và người dân với sự nghiệp GD&ĐT” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Thẳng thắn nhìn vào hạn chế, yếu kém
Cùng với các kết quả căn bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng thời đưa ra một số hạn chế, yếu kém để liên hệ trong ngành và địa phương.
Công tác rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp ở một số địa phương còn chậm nên vẫn còn bất cập, nhiều nơi học sinh phải đi học xa nhà, sau sắp xếp lại có tình trạng học sinh bỏ học, không đến trường. Chúng ta phải làm sao để sau khi sắp xếp, quy hoạch lại các điểm trường, phải thuận lợi cho việc học của học sinh. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm dành quỹ đất, tạo điều kiện để xây dựng trường mầm non, đặc biệt là khu vực có các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương vẫn chưa được khắc phục triệt để, đặc biệt là thiếu giáo viên mầm non. Còn nhiều nơi chưa bố trí được đủ giáo viên theo định mức. Việc tinh giản biên chế đối với giáo dục nhiều nơi còn cứng nhắc.
Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên chưa đáp ứng tốt yêu cầu, vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật, đạo đức, lối sống, nhất là tình trạng bạo lực học đường gây bức xúc xã hội.
Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh sự tiến bộ thì công tác quản lý giáo dục vẫn chậm đổi mới, nhất là giáo dục phổ thông. Chưa xây dựng được cơ chế, chính sách giao quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình cho các cơ sở giáo dục, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục.
Những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng cần tập trung trong năm học mới
Phân tích cụ thể những kết quả đạt được cùng hạn chế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng thời lưu ý một số giải pháp lớn ngành Giáo dục cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Thứ nhất: Các địa phương phải thực hiện sắp xếp lại mạng lưới trường lớp theo nguyên tắc tạo thuận lợi, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh. Tiếp tục rà soát, dự báo quy mô phát triển giáo dục, bố trí quỹ đất để xây dựng trường học; giải quyết dứt điểm việc thiếu trường mầm non trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Đẩy mạnh sắp xếp các trường sư phạm, tập trung vào các trường sư phạm trọng điểm; các trường khác có lộ trình làm vệ tinh trong bồi dưỡng giáo viên cho địa phương. Các trường sư phạm phải đào tạo sinh viên ra trường thành các nhà giáo dục chứ không phải thành thợ dạy; phải gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và bồi dưỡng giáo viên. Tiến tới các địa phương chủ động đặt hàng các trường sư phạm trong việc đào tạo giáo viên cho địa phương mình, từ số lượng bao nhiêu, cơ cấu môn học thế nào và yêu cầu chuẩn trình độ năng lực, phẩm chất ra sao.
Các cơ sở giáo dục ĐH phải rà soát, sắp xếp lại mạnh mẽ hơn, đảm bảo chất lượng và các điều kiện cho phát triển. Kiên quyết với các trường hạ điểm chuẩn, vơ vét học sinh đầu vào thấp, mượn giáo viên cơ hữu, không đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng… không chấp nhận tình trạng chất lượng giáo dục ĐH thấp.
Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm
các trường ĐH “hữu danh vô thực”; trình Thủ tướng Chính phủ đóng cửa một số cơ sở kém chất lượng kéo dài; kiểm tra và dừng các ngành đào tạo có chất lượng kém, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chấn chỉnh nền giáo dục ĐH…; chỉ đạo khắc phục bất cập trong hệ thống giáo dục ĐH tốt hơn, có lộ trình bước đi rõ ràng hơn…
Thứ 2: Với đội ngũ giáo viên, Thủ tướng đề nghị địa phương phải rà soát, sắp xếp lại đội ngũ theo hướng khắc phục tình trạng thừa thiếu cục bộ như hiện nay. Có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên đảm bảo tiêu chuẩn để thực hiện có kết quả chương trình giáo dục phổ thông mới. Các địa phương phải chủ động đặt hàng các trường sư phạm trong việc đào tạo giáo viên cho địa phương mình, từ số lượng bao nhiêu, cơ cấu môn học thế nào và yêu cầu chuẩn trình độ năng lực, phẩm chất ra sao.
Cùng với đó, tiếp tục rà soát, tinh gọn, hiệu quả đội ngũ phục vụ tại các trường học. Tạo các thiết chế văn hóa cho các cơ sở giáo dục.
Thứ 3: Năm học 2019-2020 cần tạo chuyển biến căn bản trong đạo đức, lối sống và kĩ năng sống cho HSSV. Việc giáo dục đạo đức cho HSSV là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó nhà trường đóng vai trò trung tâm. Nguyên lý giáo dục gia đình – nhà trường – xã hội đã nói nhiều, nhưng thực hành chưa hiệu quả.
Đưa ra yêu cầu với các bộ, ngành, đoàn thể liên quan trong giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV, Thủ tướng đồng thời nhấn mạnh Bộ GD&ĐT cần rà soát lại chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong các trường sư phạm, các cơ sở GD&ĐT, đảm bảo thiết thực, khả thi, cụ thể, hiệu quả. Đảm bảo số giờ và các nội dung về đạo đức để lồng ghép trong các môn văn hóa khác. Giáo dục đạo đức, lối sống không chỉ trong nhà trường mà còn cần thông qua hoạt động trải nghiệm… Lưu ý giáo dục bằng nêu gương từ người lớn, đặc biệt mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức để học sinh noi theo.
Bộ GD&ĐT cũng được Thủ tướng yêu cầu chủ trì, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống trong trường học, ban hành trước năm học mới.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ban hành cơ chế, chính sách cho các trường ĐH thực hiện tự chủ ĐH; trong đó cần đảm bảo vai trò hội đồng trường đúng thẩm quyền, đúng quy định. Cơ quan chủ quản phải có trách nhiệm củng cố hội đồng trường, không can thiệp hành chính vào hoạt động của nhà trường; nhưng có trách nhiệm kiểm tra giám sát theo đúng quy định.
Với phổ thông, cần nghiên cứu thí điểm cơ chế cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông có đủ điều kiện thực hiện tự chủ chi thường xuyên; từ đó tổng kết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, xây dựng nghị định đổi mới cơ chế quản lý cơ sở giáo dục mầm non phổ thông chặt chẽ, phù hợp. Vấn đề này, Thủ tướng cũng lưu ý, không phải vì tự chủ mà bị thị trường chi phối, bỏ qua các nguyên lý giáo dục mà Đảng, Nhà nước, Bác Hồ đã đưa ra. Cùng với đó, phát huy vai trò của hội khuyến học; quan tâm đến giáo dục miền núi. Nhà nước đảm bảo cơ sở vật chất trường lớp kiên cố hóa, tăng cường đội ngũ giáo viên phù hợp với điều kiện địa hình chia cắt. Có cơ chế phù hợp cho thầy cô giáo, học sinh…; không để các em có khoảng cách quá xa với đồng bằng và đô thị. “Tinh thần là không để trẻ em nào bị bỏ lại do điều kiện kinh tế khó khăn” – Thủ tướng nhấn mạnh. |
Nguồn: giaoducthoidai.vn