Thủ tướng: Cấp tỉnh phải có trách nhiệm rất lớn trong kỳ thi năm nay
Lượt xem:
Phát biểu kết luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 diễn ra ngày 5/5, liên quan tới Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Đây là việc đụng chạm đến nhà nhà, ai cũng lo lắng. Vì vậy phải rất lưu ý, đặc biệt cấp tỉnh phải có trách nhiệm rất lớn trong vấn đề thi cử của năm nay”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Hình thức thi giữ ổn định như năm 2019
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam, thời hạn có hiệu lực của Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ 1/7/2020) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (có hiệu lực từ 1/7/2019), Bộ GDĐT đã xây dựng và hoàn thiện phương án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2020.
Theo đó, Bộ GDĐT phân cấp cho các địa phương tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Mục đích là tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, từ đó điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học trong các nhà trường.
Hình thức thi giữ ổn định như năm 2019 với 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Mỗi bài thi tổ hợp có điểm toàn bài để xét công nhận tốt nghiệp THPT và điểm các môn thành phần để hỗ trợ khai thác sử dụng kết quả thi để tuyển sinh ĐH, CĐ.
Kỳ thi được tổ chức trong 2 ngày với 4 buổi thi. Nội dung thi nằm trong Chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, phù hợp với nội dung tinh giản chương trình đã được Bộ GDĐT công bố. Bộ GDĐT xây dựng và cung cấp đề thi cho các địa phương để tổ chức thi đồng loạt cùng một thời điểm trong cả nước nhằm đảm bảo mặt bằng chất lượng chung trong xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Các địa phương tổ chức coi thi, chấm thi, phúc khảo, bảo đảm an toàn, nghiêm túc. Bộ GDĐT ban hành quy chế và hướng dẫn công tác thi; xây dựng, cung cấp các phần mềm ứng dụng, bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin cho các khâu tổ chức thi và sử dụng kết quả thi. Các phần mềm được thiết kế đảm bảo an toàn, bảo mật, phục vụ tốt nhất cho quá trình tổ chức thi và sử dụng kết quả thi.
Bộ trưởng Bộ GDĐT chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện quy chế thi trong tất cả các khâu của kỳ thi tại địa phương. Chủ tịch UBND cấp tỉnh ra quyết định và cử các đoàn do thanh tra tỉnh/thành phố chủ trì đến làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra thực hiện quy chế thi trong tất cả các khâu của kỳ thi tại địa phương. Giám đốc sở GDĐT tỉnh ra quyết định thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế thi trong tất cả các khâu của kỳ thi tại hội đồng thi.
Kết quả kỳ thi được các sở GDĐT dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và được cụ thể hóa trong quy chế thi. Học sinh học hết chương trình nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng trường THPT, hoặc giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT theo quy định của luật Giáo dục 2019.
Về công tác tuyển sinh ĐH, CĐ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, công tác tuyển sinh được các cơ sở giáo dục đại học triển khai theo tinh thần tự chủ, đúng quy định của Luật Giáo dục đại học, với các phương thức tuyển sinh khác nhau như sử dụng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả học THPT (học bạ), phỏng vấn, kiểm tra,… hoặc bổ sung các cách đánh giá khác để tuyển sinh cho phù hợp.
Sử dụng giải pháp công nghệ hạn chế tối đa tiêu cực
Nhìn lại chặng đường đổi mới thi cử vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, Chính phủ đã làm đúng theo Nghị quyết 29/NQ-TW với một lộ trình rất kiên định. “Với kỳ thi năm 2020, việc thay đổi tên gọi thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT là để phù hợp với quy định của Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ 1/7/2020, còn về cơ bản kỳ thi vẫn giữ ổn định. Bộ GDĐT vẫn ra đề thi, khác là nội dung thi được điều chỉnh phù hợp với tinh giản chương trình của Bộ, theo tinh thần “học gì, thi nấy”. Đề thi vẫn có độ phân hóa, nhưng theo hướng giảm dần” – Phó Thủ tướng cho hay.
Một thay đổi quan trọng của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là việc coi thi hoàn toàn giao cho địa phương, không có sự tham gia của trường đại học. Câu hỏi đặt ra là liệu giao về cho địa phương thì có nảy sinh tiêu cực? Với băn khoăn này, Phó Thủ tướng thông tin, đã giao Bộ GDĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông sử dụng các giải pháp công nghệ để hạn chế tối đa tiêu cực; Bộ GDĐT cũng đã lên các phương án kỹ thuật. Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến trách nhiệm của địa phương trong việc đảm bảo tổ chức kỳ thi an toàn, trung thực.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đã nghe Bộ GDĐT báo cáo các phương án tổ chức kỳ thi THPT, tuyển sinh đại học 2020 và đồng tình với phương án đưa ra. Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 cơ bản không có nhiều thay đổi so với năm 2019. Bộ GDĐT ra đề thi, xây dựng phần mềm chấm thi, thí sinh vẫn được thi ở địa phương mình. Các trường ĐH, CĐ vẫn có thể sử dụng kết quả kỳ thi này làm căn cứ tuyển sinh.
Thủ tướng yêu cầu Bộ GDĐT khẩn trương ban hành quy chế và hướng dẫn công tác thi tuyển sinh ĐH, CĐ; chuẩn bị đề thi tốt nghiệp THPT đảm bảo chất lượng, phù hợp; xây dựng phần mềm chấm thi an toàn, bảo mật, tăng cường phương tiện, công nghệ giám sát. Cùng với đó, hướng dẫn, tổ chức thanh tra, giám sát tổ chức kỳ thi, xét tốt nghiệp THPT, đảm bảo tổ chức kỳ thi thành công, không có sơ suất nào xảy ra.
“Năm nay phải tốt hơn” – Thủ tướng giao nhiệm vụ và nhấn mạnh, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm toàn diện về an toàn kỳ thi tại địa phương, sớm xây dựng kế hoạch cụ thể, quy định rõ trách nhiệm từng khâu của quy trình tổ chức kỳ thi, đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng. “Đây là việc đụng chạm đến nhà nhà, ai cũng lo lắng. Vì vậy phải rất lưu ý, đặc biệt cấp tỉnh phải có trách nhiệm rất lớn trong vấn đề thi cử của năm nay” – Thủ tướng yêu cầu.
Cũng tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh Bộ GDĐT đã chủ động, tích cực hướng dẫn các địa phương, nhà trường thực hiện các điều kiện đảm bảo an toàn cho học sinh đi học trở lại. “Bộ đã tinh giản chương trình, nội dung, hình thức, thời gian học phù hợp trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh, cơ bản được xã hội đồng tình, cần tiếp tục nâng cao chất lượng trong thời gian học tập còn lại” – Thủ tướng nói.
Thủ tướng giao UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các sở GDĐT, các nhà trường thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh phù hợp. Trong đó, lưu ý việc giãn cách học sinh phải phù hợp với điều kiện thực tế, không cứng nhắc.
Gần 98% học sinh THCS, THPT đi học trở lại Báo cáo về tình hình học sinh đi học trở lại, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, đến sáng 4/5, 63/63 tỉnh, thành phố đã cho học sinh đi học trở lại sau 3 tháng nghỉ phòng, chống dịch Covid-19. Theo thống kê, tỷ lệ học sinh đi học ở cấp THCS là 97% và cấp THPT là 97,6%. Bộ GDĐT đã hướng dẫn các địa phương tổ chức cho học sinh đi học trở lại theo khối lớp và có biện pháp tổ chức dạy học theo từng nhóm học sinh/lớp để thực hiện giãn cách hợp lý, bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên khi đến trường. Trong đó, ưu tiên tổ chức cho học sinh lớp 9 và lớp 12 đi học trước ít nhất 1 tuần so với các khối lớp còn lại; chia nhóm học sinh/lớp để tổ chức dạy học phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường để bảo đảm yêu cầu giãn cách học sinh trong lớp. Căn cứ tình hình và kinh nghiệm đã tổ chức cho học sinh lớp 9 và lớp 12 đi học, tiếp tục tổ chức cho các khối lớp còn lại (hoặc chia các nhóm học sinh/lớp) đi học luân phiên nhau theo hướng mỗi học sinh chỉ đến trường một số buổi/tuần. Không tổ chức các hoạt động tập trung đông học sinh trong trường; tổ chức chào cờ trong lớp học. Kết hợp giữa dạy học trực tuyến (qua Internet, trên truyền hình) hoặc giao cho học sinh tự học ở nhà và dạy học trực tiếp để rút ngắn thời gian hoàn thành bài học ở trường, bảo đảm hoàn thành chương trình đã được tinh giản trước ngày 15/7/2020. |