Thi tốt nghiệp THPT: Giữ ổn định và tính toán kỹ lộ trình đổi mới
Lượt xem:
Trong 2 ngày (2-3/10), Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì Hội nghị Tổng kết Công tác thi, xét tốt nghiệp THPT giai đoạn 2015-2020, định hướng giai đoạn 2021-2025. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an và các Sở GDĐT trong cả nước.
Đổi mới thi thúc đẩy đổi mới dạy – học
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá, sau 5 lần tổ chức thực hiện và từng bước điều chỉnh, kỳ thi tốt nghiệp THPT đã hoàn thành mục tiêu: “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì tại Hội nghị
Việc tổ chức kỳ thi cuối cùng đối với bậc phổ thông diễn ra gọn nhẹ, đạt mục tiêu là lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT, vừa có độ tin cậy để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trường đại học sử dụng để tuyển sinh. Việc tổ chức kỳ thi đều cố gắng giảm sự tham gia của con người, tổ chức tinh gọn, tăng tính trung thực, khách quan và minh bạch. Đặc biệt, đổi mới kỳ thi đã đạt mục tiêu quan trọng nhất là thúc đẩy đổi mới dạy – học theo hướng chú trọng phát triển về phẩm chất và năng lực, giảm dậy thêm, học thêm, giảm học tủ, học lệch, giảm tiêu cực thi cử.
Riêng năm 2020, dịch bệnh Covid-19 thúc đẩy quá trình “biến nguy thành cơ”, ngành Giáo dục đã kịp thời thích ứng, quản lý sự thay đổi, từ quản lý chương trình học đến quản lý kỳ thi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT chuyển giao cho địa phương chịu trách nhiệm toàn diện các khâu của tổ chức kỳ thi, Bộ GDĐT ban hành quy chế, hướng dẫn, ra đề thi, xây dựng phần mềm quản lý thi, chấm thi trắc nghiệm và công tác thanh tra, kiểm tra.
Nhấn mạnh quan điểm “vất vả cho người lớn nhưng thuận lợi cho học sinh” của Bộ GDĐT từ khi bắt đầu triển khai đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề cao nỗ lực của những cá nhân, đơn vị đóng góp vào thành công của kỳ thi. Trong đó bao gồm trách nhiệm và nỗ lực của địa phương, cán bộ, giáo viên và sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các bộ ngành.
Thứ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại như quá trình chuẩn bị và tổ chức thi hiện nay còn có sự tham gia của nhiều người; một số nơi địa bàn rộng, tổ chức thi gặp nhiều khó khăn; công tác tổ chức có những thay đổi, điều chỉnh nhất định hàng năm nên phụ huynh, học sinh chưa thực sự yên tâm. “Vì vậy, tới đây, phải tạo sự ổn định, mọi công tác phải triển khai sớm, từ định hướng phương thức thi tới ban hành quy chế thi, văn bản hướng dẫn, công bố đề tham khảo…”, Thứ trưởng đề nghị.
Ông Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ GDĐT, Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương) phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Đắc Hưng Vụ trưởng Vụ GDĐT, Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương) nhận định, những người tham gia tổ chức kỳ thi đã nỗ lực truyền đạt tinh thần đổi mới, vừa trăn trở, lăn lộn, chịu nhiều áp lực, gian truân trong quá trình tổ chức các kỳ thi. “Chúng tôi rất chia sẻ với ngành Giáo dục. Các đồng chí đã nỗ lực, bám sát chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, xác định đúng mục tiêu, lựa chọn bước đi phù hợp, từng bước điều chỉnh để năm sau tốt hơn năm trước”, ông Hưng bày tỏ.
Ông Vũ Đức Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo Văn xã, Văn phòng Chính phủ cũng cho rằng, cơ bản kỳ thi đã đạt mục tiêu, phương hướng đặt ra. Từ học để thi 2 kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng, chỉ còn 1 kỳ thi; từ thí sinh cả nước đổ về các thành phố để thi, đến nay chỉ thi tại địa phương, thậm chí tại trường như đi học.
“Như vậy, đổi mới thi tốt nghiệp THPT đã giảm được áp lực cho học sinh, giảm tốn kém cho phụ huynh. Bên cạnh đó, trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, Bộ, địa phương đã được phân nhiệm rõ ràng”, ông Minh nói.
Trong giai đoạn tới, theo ông Minh, giữa đổi mới và ổn định có nhiều thách thức. Phụ huynh, học sinh mong muốn ổn định. Để có được sự ổn định, cần giữ vững những ưu điểm, thành quả, lợi ích của kỳ thi trong thời gian tới. Tuy nhiên, ổn định phải tốt và đạt yêu cầu. Để hài hoà những mục đích trên, tạo sự yên tâm cho người học và gia đình, theo ông Minh, trước mắt nên giữ vững phương thức thi ổn định như hiện nay, đồng thời, dần dần kết hợp thi trên máy tính.
Cần duy trì quyết tâm và trách nhiệm
Báo cáo tại Hội nghị, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết, năm 2020, công tác tổ chức thi đã chắt lọc, kế thừa tất cả thành tựu giai đoạn trước đó, vừa đúng Luật vừa phù hợp thực tiễn. “63 địa phương đã làm hết trách nhiệm và rất sáng tạo, đảm bảo mục tiêu kép, vừa đảm bảo an toàn kỳ thi vừa an toàn trong dịch bệnh”. Ông Trinh ghi nhận và cho rằng, sự phối hợp giữa các bên cùng năng lực tổ chức thi của các địa phương gia tăng là tiền đề quan trọng cho công tác tổ chức kỳ thi giai đoạn tới đây.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng phát biểu tại Hội nghị
Tổng kết giai đoạn thi từ 2015-2020, ông Mai Văn Trinh đúc rút 3 bài học căn bản, đó là: Kiên định mục tiêu, vốn là thử thách lớn nhất trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; Đảm bảo nguyên tắc về tính khoa học, thực tiễn và khả thi; Phân định trách nhiệm của từng tổ chức cá nhân. “Thành công này mới chỉ là ban đầu. Chúng ta duy trì tâm thế này, quyết tâm này, trách nhiệm này, mới có thể làm tốt trong những năm tiếp theo”, Cục trưởng Mai Văn Trinh nhấn mạnh.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, định hướng kỳ thi giai đoạn 2021-2025 cần được tính toán từng bước để chủ động thực hiện, tăng cường khắc phục lỗi kỹ thuật và ứng dụng CNTT mạnh mẽ hơn. Phương thức thi căn bản ổn định như năm 2020, đặc biệt, năm 2021 ổn định như năm 2020; đồng thời nỗ lực điều chỉnh kỹ thuật tốt hơn, đảm bảo không ảnh hưởng tới học sinh, giáo viên và xã hội.
Trong đó, cần thực hiện hai nhiệm vụ lớn là tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi phong phú, chuẩn hoá để sử dụng hiệu quả hơn nữa; tăng cường ứng dụng CNTT theo hướng đưa dần hình thức thi trên máy tính vào kỳ thi. Hình thức thi trên máy tính đồng thời với việc khai thác các Trung tâm khảo thí quốc gia, khai thác các trường đại học và các tổ chức, cá nhân có đủ nguồn lực để hình thành trung tâm khảo thí.
Đại diện lãnh đạo Sở GDĐT trao đổi tại Hội nghị
“Nói vậy không phải là chúng ta làm được ngay. Quá trình này sẽ mất nhiều thời gian, cần tính toán, chuẩn bị kỹ, sớm thí điểm ở những địa phương đáp ứng điều kiện và dần mở rộng. Đảm bảo sự tương đồng giữa hai hình thức thi và không gây bất an cho xã hội”, ông Trinh lưu ý.
Hội nghị ghi nhận, tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp từ đại diện lãnh đạo 63 tỉnh thành và một số cơ sở giáo dục đại học. Trong đó, đa số ý kiến đánh giá cao thành công của kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2015-2020 và đề nghị Bộ GDĐT giữ ổn định kỳ thi trong 5 năm tới, đặc biệt năm 2021 giữ ổn định như năm 2020.
Đồng thời, tiếp tục rà soát theo hướng hoàn thiện quy trình, quy chế, hướng dẫn, phần mềm chấm thi; làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân tham gia tổ chức kỳ thi; tăng cường ứng dụng CNTT, thử nghiệm tiến tới thi trên máy tính. Yêu cầu cao nhất là không xáo trộn nhiều, không gây sốc cho thí sinh.
“Căn cứ ý kiến đóng góp, Bộ GDĐT sẽ đánh giá, tiếp thu, hoàn thiện phương án thi giai đoạn 2021-2025 để trình Chính phủ. Nếu Chính phủ đồng ý phương án, chậm nhất tháng 12/2020, Bộ GDĐT sẽ ban hành Quy chế để các Sở chuẩn bị tốt nhất, với tinh thần trách nhiệm và cố gắng cao nhất”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết.
Ông Phạm Văn Đại, Phó GĐ Sở GDĐT Hà Nội Kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2015-2020 đã hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo mục tiêu xét tốt nghiệp, vừa là cơ sở tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học trong toàn quốc; thuận lợi cho học sinh. Quy trình tổ chức thi ngày càng chặt chẽ, tạo niềm tin cho xã hội. Kết quả thi phản ánh chất lượng giáo dục toàn quốc. Tôi mong tới đây, quy chế, các khâu trong quá trình thi, sao in đề,… sẽ được hoàn thiện chặt chẽ hơn. Đồng thời, Bộ sớm ban hành các văn bản để địa phương chủ động trong tham mưu, lập kế hoạch và triển khai. Nội dung và tài liệu tập huấn nên rõ ràng, dễ hiểu, ngắn gọn. Chúng tôi đồng tình cao định hướng của Bộ. Với năng lực và trách nhiệm của địa phương, chúng tôi sẽ quyết tâm triển khai tốt để giữ uy tín cho toàn ngành và địa phương. Ông Dương Công Lợi, Phó GĐ Sở GDĐT Nghệ An Chúng tôi ủng hộ đổi mới tích cực của Bộ với 3 lý do: Đổi mới vì học sinh, giảm nhẹ áp lực cho thí sinh, phụ huynh; Địa phương cố gắng với trách nhiệm cao nhất để xứng đáng với tin tưởng của các cấp; Kỳ thi được tăng cường giám sát, tăng tính minh bạch, tạo niềm tin đối với kết quả. Định hướng tiếp tục giữ ổn định kỳ thi giúp nhà trường chủ động trong tổ chức dạy học, nhất là tâm lý thí sinh, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý. Chủ trương đổi mới tiến dần tới thi trên máy tính cần lộ trình phù hợp và sớm có văn bản chỉ đạo. Ông Nguyễn Văn Phê, GĐ Sở GDĐT Hưng Yên Thi tốt nghiệp THPT hết sức quan trọng, tạo động lực dạy – học, cần tiếp tục duy trì. Trong 5 năm qua, kỳ thi đã được tổ chức minh bạch, khách quan, giảm tốn kém, giảm tiêu cực; ứng dụng CNTT; đề thi cải tiến theo hướng tiếp cận năng lực học sinh,…. Qua thực tế thăm dò, học sinh cũng khẳng định, việc chuyển từ thi tự luận sang trắc nghiệm đã giảm học tủ học lệch đáng kể. Ông Vũ Văn Trà, Phó GĐ Sở GDĐT Hải Phòng Đổi mới trong kỳ thi đã mang đến hạnh phúc cho học sinh, phụ huynh. Bản thân tôi là phụ huynh, có hai con thi tốt nghiệp THPT vào năm 2011 và 2018. Năm 2018, con tôi chỉ thi 1 kỳ thi, đi thi như đi học, không còn cảnh thức khuya dậy sớm lo tắc đường. Cũng không còn cảnh những gia đình phải bán một con bò để có lộ phí cho con đi thi. Điều này đã tạo nhiều cơ hội cho học sinh, đảm bảo quyền lợi, sự công bằng và giảm thiểu những may rủi như những năm trước. Bài học quan trọng cho thành công này là chúng ta cần kiên định mục tiêu. Tất nhiên, ổn định phải tốt, hiện nay cơ bản đã tốt, đâu đó còn có khiếm khuyết tồn tại, chúng ta cũng đã dần điều chỉnh tốt hơn. Vì vậy, tôi đề nghị nên giữ ổn định kỳ thi này trong giai đoạn 5 năm tới. Việc tăng cường ứng dụng CNTT vào kỳ thi này cần có lộ trình phù hợp, chuẩn bị tốt hạ tầng, các trung tâm khảo thí, nguồn lực, đội ngũ,… Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP. HCM Mặc dù trong giai đoạn tới, nhiều trường tự chủ với các phương thức tuyển sinh khác, nhưng đa số vẫn tin tưởng sử dụng xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT với tỷ lệ hơn 50%. Việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng khá phức tạp, vì vậy, chúng tôi hy vọng kỳ thi tốt nghiệp THPT tiếp tục giữ ổn định và tin tưởng sử dụng kết quả thi để xét tuyển sinh. Ông Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí, Phó Trưởng Ban Đào tạo ĐHQGHN Thi trên máy và thi trên giấy không đơn thuần là lấy mô hình trên giấy để số hoá mà cần quy định rõ ràng bằng các văn bản pháp quy. Ta lấy ví dụ, như thi trên máy sẽ có yêu cầu tối thiểu đơn giản như số lượng đề, ma trận đề, tỷ lệ sẽ khác. Thí sinh có thể thi nhiều lần trong một năm, do đó, đề thi phải có tính phân loại và tính không trùng lặp cao, đồng thời, đảm bảo tính cân bằng, tương thích trong hệ số tương quan cho phép. Hệ thống phần mềm cũng cần đảm bảo tính khách quan, trung thực, an toàn, bảo mật. Bên cạnh đó, cách thức xét tốt nghiệp, thời gian công nhận kết quả thi ra sao cũng phải tính toán phù hợp mục đích xét tốt nghiệp và cung cấp cơ sở để xét tuyển sinh. Trong bất cứ kỳ thi nào, dù là kỳ thi trên giấy hay trên máy tính, truyền hình,… đều có những vấn đề kỹ thuật, sự cố có thể xảy ra. Do đó, cần phải tính toán kỹ lưỡng, với lộ trình từng bước, áp dụng thí điểm, tập huấn, xây dựng các văn bản cụ thể. Tôi cho rằng, lộ trình mà Bộ GDĐT đang xây dựng rất cụ thể, chi tiết và tránh gây sốc cho thí sinh. |