Tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường
Lượt xem:
Ngày 01/4/2022, Sở GDĐT ban hành Công văn số 466/SGDĐT-GDTXCTTT về việc tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường. Theo đó, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố; các đơn vị trực thuộc; Trung tâm GDNN-GDTX các huyện triển khai thực hiện một số nội dung sau:
- Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Công văn số 221/SGDĐT-GDTXCTTT ngày 23/02/2021 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn triển khai hệ thống quản lý phòng ngừa bạo lực học đường. Mỗi nhà trường phân công 01 lãnh đạo phụ trách công tác phòng chống bạo lực học đường tại đơn vị.
- Thực hiên nghiêm túc các nội dung về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Thực hiện các phương pháp giáo dục tích cực; đồng thời có biện pháp can thiệp hỗ trợ kịp thời khi phát hiện học sinh bị hoặc có nguy cơ bị bạo lực. Thiết lập và vận hành hiệu quả các kênh thông tin về bạo lực học đường để tăng cường phối hợp quản lý, xử lý các tình huống liên quan tới bạo lực học đường. Tổ chức cho học sinh ký cam kết “Không vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội và bạo lực học đường”.
- Các nhà trường cần chủ động trong việc trao đổi thông tin với gia đình học sinh để kịp thời nắm bắt tình hình, tư tưởng của học sinh để có hướng điều chỉnh nếu có biểu hiện sai lệch. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, chính quyền địa phương để quản lý, giáo dục, có biện pháp răn đe khi cần thiết. Đặc biệt là duy trì kỷ cương, nề nếp và tạo ra môi trường an toàn, lành mạnh cho học sinh học tập, phát triển.
- Đẩy mạnh, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, các tổ chức trong nhà trường trong công tác quản lý học sinh; phát huy vai trò của ban cán sự lớp, ban đại diện phụ huynh học sinh và giáo viên chủ nhiệm trong việc phát hiện mâu thuẫn, xích mích của các học sinh trong lớp học để chủ động xử lý kịp thời.
- Đối với những học sinh có hành vi bạo lực gây hậu quả nghiêm trọng thì phải có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cần tích cực giáo dục, bồi dưỡng và tạo điều kiện để các em tự nhận ra và khắc phục lỗi lầm của mình. Bên cạnh đó, nhà trường cần thường xuyên phối hợp với phụ huynh học sinh để tăng cường biện pháp quản lý, nhắc nhở, nhất là giải pháp tư vấn tâm lý học đường để có thể hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của các em, giúp các em giải tỏa những mâu thuẫn, xích mích với các học sinh khác,…
- Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của học sinh, nhất là các quy định của pháp luật liên quan đến các hành vi gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích hoặc hành vi làm nhục người khác… Ngoài việc lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục đạo đức, lối sống vào nội dung, chương trình môn học nhà trường cần phải trang bị cho học sinh nhiều kỹ năng sống hơn, đặc biệt là các kỹ năng về quản lý cảm xúc, kỹ năng ứng xử, giải quyết mâu thuẫn, nhất là giáo dục kỹ năng sử dụng mạng xã hội và cách ứng xử trên mạng xã hội. Đồng thời tạo cho các em nhiều sân chơi, hoạt động lành mạnh, ý nghĩa và phù hợp với đặc thù lứa tuổi … giúp học sinh nhận thức được các bài học của lòng nhân ái, bao dung, sự tôn trọng và trách nhiệm của bản thân với những người xung quanh
Nhận được Công văn này, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện./.
Chi tiết văn bản: