Tăng cường nguồn lực, nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS
Lượt xem:
Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, hiện nay chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số (DTTS), học sinh vùng DTTS vẫn còn nhiều hạn chế. Mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành kế hoạch với những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục vùng DTTS, học sinh vùng DTTS.
Theo thống kê, đối với bậc học mầm non, hiện nay tỷ lệ huy động trẻ em DTTS dưới 3 tuổi đến nhà trẻ mới chỉ đạt 3,4%. Vì vậy, đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu tăng tỷ lệ này lên trên 3,8%. Riêng trẻ DTTS từ 3 đến 5 tuổi đi học mẫu giáo phấn đấu đạt 75% trở lên, trong đó tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đạt 95% trở lên. 100% trẻ DTTS từ 5-6 tuổi được chuẩn bị điều kiện vào lớp 1.
Đối với giáo dục phổ thông, toàn tỉnh phấn đấu huy động 100% trẻ DTTS trong độ tuổi vào tiểu học; 100% học sinh DTTS tiểu học hoàn thành chương trình vào học THCS. Cùng với đó, bậc học phấn đấu có ít nhất 5% học sinh DTTS sau tốt nghiệp THCS đi học nghề kết hợp với học THPT hệ giáo dục thường xuyên. Trong năm 2018, toàn tỉnh có khoảng 50% học sinh DTTS tốt nghiệp THPT được học đại học hoặc cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, đào tạo nghề. Đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu nâng tỷ lệ này lên trên 60%.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, các cấp ủy cần phát huy vai trò lãnh đạo đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS và vùng đồng bào DTTS. Cùng với đó, ngành Giáo dục cần tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân, nhất là các cấp, các ngành và cộng đồng ở vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS cần thực hiện thường xuyên. Nội dung tuyên truyền cần tập trung vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục và đào tạo liên quan đến học sinh DTTS, học sinh vùng DTTS.
Các địa phương có nhiệm vụ xây dựng cơ chế phối hợp để huy động các nguồn lực chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo, thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS. Trong đó, các địa phương cần đặc biệt chú trọng huy động trẻ dưới 3 tuổi, trẻ mẫu giáo 3-5 tuổi, học sinh tiểu học, học sinh THCS trong độ tuổi ra lớp, hạn chế học sinh nghỉ học, bỏ học giữa chừng.
Ngành Giáo dục tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, chuyên đề, các hoạt động trải nghiệm nhằm nâng cao kỹ năng sống, nâng cao trách nhiệm của học sinh trong việc trau dồi đạo đức, phát triển năng lực cá nhân. Những kỹ năng này sẽ giúp học sinh chuẩn bị cho việc lập thân, lập nghiệp.
Các nhà trường tập trung nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS trong nhà trường, phụ đạo cho học sinh có học lực yếu, kém. Các cơ sở giáo dục hướng dẫn học sinh xây dựng kế hoạch tự học, tổ chức dạy học 2 buổi ngày cho 100% học sinh ở các trường tiểu học đủ điều kiện, tăng cường tổ chức bán trú để nâng cao chất lượng dạy học. Các bậc học cần chú trọng công tác giáo dục hướng nghiệp, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học, đa dạng hóa các hình thức tổ chức học tập, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt. Các cơ sở giáo dục tổ chức khảo sát chất lượng học sinh ngay từ đầu năm học để có hướng giảng dạy, ôn tập, phụ đạo, bồi dưỡng phù hợp nhất cho từng đối tượng học sinh.
UBND tỉnh cũng đề nghị, ngành Giáo dục tiếp tục rà soát, quy hoạch, sắp xếp hoàn thiện hệ thống trường, lớp, cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện vùng khó khăn, vùng DTTS, tạo điều kiện thuận lợi cho con em trong vùng thuận lợi tham gia học tập. Việc rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các trường phổ thông nhiều cấp phải phù hợp với điều kiện thực tiễn. Ngành Giáo dục tập trung rà soát, điều chỉnh lại quy mô lớp học một cách hợp lý, thu gọn lại các điểm trường trên nguyên tắc thuận lợi cho học sinh, người dân. Giải pháp quan trọng cần thực hiện trong thời gian tới nữa là hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.
Ngoài ra, từ nay đến năm 2020, toàn tỉnh tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS. Các đơn vị liên quan thực hiện đầy đủ, hiệu quả các chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với học sinh DTTS và học sinh vùng đồng bào DTTS. Tỉnh cũng sẽ tăng cường nguồn lực Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục nhằm đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho con em DTTS đến trường.
Nguồn: Báo Đắk Nông online