Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2017 -2018
Lượt xem:
Đ/c Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở GDĐT phát biểu khai mạc Hội nghị |
Theo báo cáo tại hội nghị, trong học kỳ I năm học 2017 – 2018 vừa qua, ngành Giáo dục đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện như: Chương trình giáo dục mầm non mới; chương trình giáo dục phổ thông tiếp tục đánh giá sâu và điều chỉnh ở một số môn học; tích cực đổi mới phương pháp, thực hiện tích hợp ở giáo dục mầm non và một số nội dung trong giảng dạy phổ thông; thực hiện dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng; chú trọng phụ đạo cho học sinh yếu kém. Bên cạnh đó, ngành cũng đã có nhiều sáng tạo trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn kết nội dung cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” với nhiều hình thức, phương pháp dạy học phù hợp, hiệu quả. Có thể nói, các cuộc vận động và phong trào thi đua ngày càng đi vào chiều sâu, có hiệu quả rõ rệt và được cụ thể hóa với những công việc, phần việc thiết thực. Nhờ đó, chất lượng giáo dục tiếp tục chuyển biến ở các cấp học; quy mô phát triển ổn định, cơ sở vật chất trường, lớp học cơ bản đáp ứng được yêu cầu dạy và học theo hướng kiên cố hoá. Việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy học, ứng dụng CNTT đã có những kết quả nhất định.
Trong học kỳ I, toàn tỉnh có 396 cơ sở giáo dục với 166.640 học sinh (tăng 14 cơ sở giáo dục và 5.944 học sinh so với cùng kỳ), tổng số học sinh là 166.640 em (tăng 5.944 em so cùng kỳ năm học trước). Trong đó, Giáo dục Mầm non có 1.076 nhóm, lớp với 33.475 trẻ; 147/148 trường tiểu học, trong đó có10/148 trường thực hiện theo Mô hình trường học mới VNEN. Công tác phổ cập giáo dục THCS nhìn chung là ổn định và tiếp tục duy trì ở 100% các xã, phường, thị trấn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 21 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia (đạt 18,2%), 30 trường THCS đạt chuẩn quốc gia (đạt 35,71%), 10 trường THPT đạt chuẩn quốc gia (đạt 31,25%). Giáo dục thường xuyên phát triển ngày càng lớn mạnh, với 23 trung tâm Ngoại ngữ -Tin học trên địa bàn tỉnh đã thực hiện thi cấp chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học trình độ A, B, Tiếng M’Nông cho 1.248 học viên.
Học kỳ II năm học 2017-2018, ngành Giáo dục tỉnh đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 29-NQ/TW, Nghị quyết số 44/NQ-CP, Kế hoạch hành động của ngành Giáo dục và các chương trình, kế hoạch liên của Tỉnh ủy, UBND tỉnh liên quan đến nhiệm vụ của ngành. Tiếp tục thực hiện nghiêm quy định về công khai đối với các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân; tăng cường quản lý việc dạy thêm học thêm, quản lý thu – chi tài chính tại các cơ sở giáo dục; xử lý nghiêm các vi phạm về dạy thêm học thêm, thu – chi tài chính. Đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục, chú trọng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra giáo dục; tăng cường chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tự kiểm tra của các cơ sở giáo dục…
Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Toàn – Giám đốc Sở GD&ĐT yêu cầu toàn ngành triển khai thực hiện tốt phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm học kỳ II năm học 2017 – 2018; tổ chức triển khai học tập, quán triệt đến toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh về quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2018, xây dựng kế hoạch dạy, học, ôn tập, tư vấn nghề nghiệp, … để thực hiện tốt kỳ thi THPT quốc gia. Các phòng GD&ĐT tiến hành rà soát đội ngũ cán bộ quản lý, đề xuất biện pháp xử lý đối với các trường hợp buông lỏng quản lý, thiếu gương mẫu, tinh thần trách nhiệm trong công việc. Các nhà trường, cơ sở giáo dục tăng cường chỉ đạo và tổ chức triển khai các giải pháp tuyên truyền đến cán bộ giáo viên, học sinh, sinh viên, phụ huynh học sinh thực hiện An toàn giao thông và có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về an toàn giao thông…