Sẽ triển khai mô hình VNEN trên tinh thần tự nguyện
Lượt xem:
Chỉ còn thời gian ngắn nữa là bước vào năm học 2017-2018. Trước những hạn chế của Chương trình dạy học mới VNEN ở bậc tiểu học, dư luận, nhiều phụ huynh và giáo viên đang băn khoăn, ngành Giáo dục có tiếp tục triển khai áp dụng VNEN hay không.
Vẫn còn những hạn chế chưa giải quyết
Nhằm phục vụ nội dung cho kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa III vừa qua, Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đã có báo cáo nhận định, năm học 2016-2017 là năm học thứ hai thực hiện nhân rộng mô hình trường học mới (VNEN).
Tuy nhiên, một số cán bộ quản lý, giáo viên vẫn chưa nhận thức đầy đủ về mô hình và điều kiện áp dụng, chưa hiểu được bản chất của từng thành tố và cách thức thực hiện. Một bộ phận cán bộ, giáo viên ngại đổi mới, chưa hiểu hết mục đích của từng việc làm nên tổ chức hoạt động giáo dục chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, gây ra những băn khoăn trong dư luận.
Cũng theo đánh giá của Sở GD-ĐT, quá trình triển khai dạy học theo mô hình VNEN vẫn còn những hạn chế chưa được giải quyết. Theo đó, công tác tổ chức thực hiện còn rập khuôn, máy móc, thiếu linh hoạt, chưa chủ động trong việc lập kế hoạch thực hiện. Việc chỉ đạo, giám sát chưa thường xuyên, liên tục. Ở một số trường, việc tổ chức cho học sinh học theo nhóm vẫn chưa đạt hiệu quả, chưa đúng tinh thần học nhóm là hợp tác, chia sẻ, tìm ra cách để lĩnh hội kiến thức.
Về cơ sở vật chất, một số phòng học chưa đúng quy chuẩn, thiếu các phòng chức năng. Diện tích phòng học chưa bảo đảm để tạo không gian lớp học theo mô hình mới. Cùng với đó, số lượng học sinh/lớp khá đông nên việc ngồi học tập theo nhóm ở đa số các lớp học còn chật hẹp, gây khó khăn cho giáo viên trong di chuyển, bao quát, kiểm soát các hoạt động.
Công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ trực tiếp của một số Phòng GD-ĐT chưa thường xuyên, liên tục mà chỉ hỗ trợ gián tiếp qua hệ thống thông tin điện tử. Một số hiệu trưởng giao hẳn công tác chuyên môn cho phó hiệu trưởng phụ trách, thiếu sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ để có giải pháp khắc phục kịp thời.
Giao quyền chủ động cho các trường
Cũng theo Sở GD-ĐT, năm học 2017-2018, tỉnh chủ trương sẽ triển khai mô hình VNEN trên tinh thần tự nguyện, giao quyền chủ động cho hiệu trưởng và giáo viên trong quá trình triển khai. Nghĩa là, giáo viên được giao quyền chủ động lựa chọn, áp dụng linh hoạt phương pháp, mô hình phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện của nhà trường, bảo đảm thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục. Khi áp dụng chương trình dạy học mới, giáo viên sẽ được tập huấn, bồi dưỡng để hiểu đúng, làm đúng.
Sở khuyến khích các trường lựa chọn giáo viên có tâm huyết, có thể lựa chọn một số thành tố tích cực để bổ sung vào đổi mới phương thức giáo dục đang thực hiện. Đối với những trường đang thực hiện nhưng chưa đáp ứng các điều kiện thì lựa chọn một số thành tố tích cực của mô hình để áp dụng. Đối với những trường không áp dụng có thể lựa chọn một số thành tố tích cực để bổ sung vào phương thức giáo dục đang thực hiện.
Với định hướng về việc triển khai chương trình VNEN cụ thể như trên là cơ sở, hướng mở để các trường “tự chủ” trong việc lựa chọn triển khai áp dụng mô hình VNEN. Chất lượng giáo dục của các trường phụ thuộc phần lớn vào trách nhiệm trong lựa chọn giải pháp thực hiện của mỗi đơn vị. Vì vậy, các trường cần có sự lựa chọn sao cho phù hợp, dựa vào điều kiện thực tế của mình, vì mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao chất lượng giáo dục bậc học nói chung.
Theo Báo Đắk Nông