Qua thực nghiệm, tài liệu Tiếng Việt – Công nghệ giáo dục thể hiện nhiều ưu điểm
Lượt xem:
Cuốn Tiếng Việt lớp 1-Công nghệ giáo dục (Tiếng Việt 1-CNGD) mặc dù đã được áp dụng nhiều năm nay đối với học sinh lớp 1, nhưng gần đây lại xuất hiện một số ý kiến trái chiều. Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa ông, thời gian gần đây, dư luận rất quan tâm đến việc dạy Tiếng Việt 1-CNGD. Nhiều người cho rằng đó là một cuốn sách giáo khoa và có cách đánh vần lạ. Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?
Ông Nguyễn Văn Toàn: Tiếng Việt 1-CNGD là một bộ tài liệu do Giáo sư Hồ Ngọc Đại biên soạn, được áp dụng trên toàn quốc từ năm học 2013-2014. Đây là cuốn tài liệu nghiêng nhiều về xây dựng phương pháp đọc nhớ và viết đúng chính tả của lớp 1, chứ không phải là cuốn sách giáo khoa của lớp 1.
Tài liệu này chủ yếu truyền đạt cho giáo viên phương pháp dạy học tiếng Việt, giúp học sinh lớp 1 nhanh chóng tiếp cận cách đọc, cách viết đúng. Đó là điều giáo dục hướng tới. Còn cách đánh vần ở đây phải hiểu là từ ngàn đời xưa cũng đã có nhiều cách đánh vần.
Tiếng Việt 1-CNGD là nhằm giúp học sinh hay người bắt đầu tiếp cận tiếng Việt có cách đánh vần dễ nhớ, dễ đọc. Ví dụ như ngày xưa đánh vần “a, b, c” chẳng hạn. Bây giờ giáo viên hướng dẫn đánh vần theo Tiếng Việt 1-CNGD thì nó cũng không làm thay đổi âm tiết tiếng Việt, không thay đổi chữ cái tiếng Việt. Người ta chỉ quy định ví dụ như chữ “C” là các chữ được ghép thôi. Khi ghép với các nguyên âm khác nhau thì có thể đánh vần khác nhau, còn không, bản thân nó thì đánh vần cũng chỉ một âm tiết thôi.
Riêng về việc dạy học theo hình tượng, ô vuông như mọi người nói thì ngay trong môn Anh văn, người ta cũng dạy theo hình tượng. Ví dụ như dạy cách đọc chữ “Táo” chẳng hạn thì sẽ sử dụng quả táo để làm hình tượng. Hình tượng chỉ là để giúp cho người học dễ đọc, dễ nhớ trong câu mà thôi. Đây không phải là dạy hình tượng thay thế bằng một cách dạy khác. Do nhiều người chưa hiểu hết bản chất của nó, nên mới đặt ra nghi vấn. Có một số phụ huynh cũng chưa hiểu được cũng có thể đến hỏi giáo viên. Hoặc cũng có nhiều giáo viên trong cách dạy học hơi máy móc nên sinh ra nặng nề ở đây. Bản thân tôi cho rằng, qua kiểm nghiệm thực tiễn là rất tốt.
PV: Ưu điểm và mục đích cuối cùng của việc áp dụng tài liệu Tiếng Việt lớp 1-CNGD là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Toàn: Mục đích của tài liệu là giúp cho người học nhanh biết đọc, biết viết. Qua đó, người học có thể tự học hoặc có sự hỗ trợ của giáo viên để học tốt hơn.
Qua mấy năm thực nghiệm ở các trường học trên địa bàn, tài liệu đã thể hiện được rất nhiều ưu điểm. Điều dễ nhận thấy nhất là tài liệu rút ngắn được thời gian giúp học sinh, nhất là học sinh dân tộc thiểu số nhanh biết đọc, biết viết, nhất là giúp học sinh viết chính tả tương đối tốt. Vốn dĩ ngày xưa chúng ta đánh vần xuôi thì bây giờ có thể đánh vần ngược, đánh vần ngang. Học sinh có thể dùng ký hiệu bên này để đánh một âm tiết, cộng với ký hiệu bên kia để nhập lại thành một chữ. Nhiều em làm thành thói quen và rất dễ ghi nhớ. Các em sẽ biết đâu là trọng tâm cần nhấn mạnh, đâu là dấu hỏi, dấu sắc để khi viết không bị sai.
Tài liệu cũng giúp phát huy năng lực của người học nên học sinh trở nên mạnh dạn hơn. Sử dụng tài liệu, học sinh phải đọc nhiều hơn, và muốn viết được thì phải biết đánh vần. Đánh vần sẽ giúp chủ động trong ghi nhớ. Chính ghi nhớ đó sẽ thành sáng tạo. Vì vậy, cái gì có lợi cho học sinh thì chúng ta cố gắng vận dụng làm cho nó tốt.
PV: Trước dư luận như vậy, ngành Giáo dục đã có những hình thức như thế nào để phụ huynh yên tâm?
Ông Nguyễn Văn Toàn: Thực tế, cũng có một số người chưa hiểu hết bản chất của vấn đề. Trước hết, ngành Giáo dục cũng đã đề nghị các phòng giáo dục cũng như hiệu trưởng các trường chỉ đạo đội ngũ giáo viên thực hiện một số nhiệm vụ. Cụ thể, giáo viên phải vận dụng tài liệu Tiếng Việt 1-CNGD cho hiệu quả để học sinh hưởng lợi. Giáo viên phải cùng giải thích để phụ huynh hiểu được bản chất của tài liệu.
Cùng với đó, từ thực tiễn, giáo viên lấy minh chứng học sinh lớp 1 những năm trước học theo tài liệu Tiếng Việt 1-CNGD để giúp phụ huynh hiểu rõ hơn. Trong họp phụ huynh đầu năm, các nhà trường, giáo viên lớp 1 cần tăng cường giải thích cho phụ huynh rõ về mục đích, ý nghĩa việc vận dụng tài liệu Tiếng Việt 1-CNGD. Hiệu trưởng các trường nâng cao hiệu quả quản lý dạy học, chú trọng bố trí đội ngũ giáo viên dạy lớp 1 phù hợp.
Một nhiệm vụ được ngành chú trọng nữa là tăng cường tuyên truyền về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Đây sẽ là chương trình có nhiều bộ sách giáo khoa được tuyển chọn từ các bộ tài liệu, trong đó có Tiếng Việt 1-CNGD. Nghĩa là sau này học sinh có quyền chọn sách để học. Sách nào viết hay thì tất yếu được lựa chọn nhiều hơn.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Báo Đắk Nông online