PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG NHÀ GIÁO TỈNH ĐẮK NÔNG, NÊU CAO TRÁCH NHIỆM TRONG SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI NỀN GIÁO DỤC TỈNH NHÀ
Lượt xem:
Cách đây 69 năm, Liên hiệp quốc tế các Công đoàn giáo dục được thành lập (viết tắt là FISE), với bản “Hiến chương các nhà giáo”, nhằm xây dựng nền giáo dục tiến bộ, dân chủ, khoa học; đấu tranh thủ tiêu chế độ bạc đãi, coi thường nghề dạy học, bảo vệ những quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng của nhà giáo; đặc biệt coi trọng tính chất nhân văn của nghề dạy học và phương pháp dạy học tiên tiến.Tháng 5/1957, tại Vacxava, Hội nghị quốc tế các tổ chức của nhà giáo lần thứ 2 đã quyết định lấy ngày 20-11 hàng năm làm ngày “Quốc tế hiến chương các nhà giáo”.
Ở nước ta, năm 1982 Chính phủ đã quyết định “ hàng năm sẽ lấy ngày 20 – 11 là ngày Nhà giáo Việt Nam”. Từ đó đến nay, vào dịp 20-11 hàng năm, Đảng, Nhà nước và nhân dân đều tổ chức kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Những ngày này, truyền thống “Tôn sư trọng đạo” đã được hòa quyện trong các hoạt động tôn vinh Nhà giáo và đã trở thành ngày hội có tính chất xã hội rộng lớn.
Nhà giáo dục vĩ đại Cômenxki đã từng nói: “Dưới ánh mặt trời, không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”. Nghề dạy học luôn luôn gắn liền với sự phát triển nhân loại; nghề dạy học không đơn thuần là một nghề nghiệp, “ Giáo dục như ánh thái dương phản chiếu cả đến những gian nhà cỏ thấp bé, mái tranh của con nhà nghèo”. Ở nước ta, từ xưa đến nay, Nghề dạy học và truyền thống Nhà giáo Việt Nam được bồi đắp qua nhiều thế hệ Nhà giáo, hòa quyện sâu sắc trong văn hóa dân tộc; truyền thống ấy được kế thừa và hun đúc qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, sự đổi thay của đất nước, được rèn rũa trở thành những nét son tiêu biểu của nền văn hiến nước nhà.
Nghề dạy học và nhà giáo với chức năng là truyền lại cho thế hệ trẻ những tinh hoa văn hóa của dân tộc và của loài người; đồng cam cộng khổ với nhân dân, bồi đắp, hun đúc tâm hồn người Việt Nam qua các thời đại; là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, gìn giữ và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, quí báu của dân tộc ta. Chính vì vậy, Nghề dạy học, Nhà giáo Việt Nam đã lưu sâu trong tâm khảm của mỗi con người về những phẩm chất truyền thống: Giàu lòng nhân ái, yêu thương con người sâu sắc; lòng yêu nước nồng nàn; sống một cuộc đời thanh cao, không màng danh lợi, thường dựa vào dân, sống cuộc đời của dân. Tiêu biểu cho các phẩm chất ấy là các Nhà giáo Chu Văn An, Cao Bá Quát, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Tất Thành, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm, Đặng Thai Mai, Nguyễn Lân, … và nhiều thầy giáo khác trong thời đại của chúng ta, đã góp nhiều công sức để phát triển nền giáo dục nước nhà.
Ở tỉnh ta, kế thừa truyền thống Nhà giáo Việt Nam, truyền thống Nhà giáo tỉnh Dắk Lăk trước đây, trong hơn 10 năm phát triển giáo dục, đội ngũ Nhà giáo tỉnh Đăk Nông đã xây dựng được những phẩm chất truyền thống vô cùng quý báu : “Nhân ái – nhân văn – Lao động hết mình vượt qua khó khăn ”.
Lòng Nhân ái, đây là phẩm chất cốt lõi của nhân cách Nhà giáo, được các Nhà giáo Dăk Nông gìn giữ, nuôi dưỡng trong toàn bộ hoạt động giáo dục, phát triển sự nghiệp giáo dục. Dăk Nông là ngôi nhà chung của hơn 40 dân tộc anh em, xuất phát điểm phát triển kinh tế, xã hội thấp, nhiều khó khăn, nhưng đồng bào các dân tộc trong tỉnh đều có truyền thống hiếu học, dẫu nghèo đói đến đâu vẫn ráng học hoặc cho con cái học “ biết cái chữ” để làm người. Thông cảm với nỗi khổ và nguyện vọng của người dân, các nhà giáo chúng ta luôn luôn sẵn sàng bám dân, yêu thương con người, nhiệt tình dạy dỗ học trò. Dù ở nơi chưa có đường đi, thiếu nước uống như xã Quảng Hòa, xã Dăk Ngo,…, không có nhà ở hay phòng học tạm bợ, người thầy giáo Dăk Nông luôn luôn lấy lòng nhân ái, bao dung, với tất cả bầu nhiệt huyết của mình để đối xử với nhân dân, để giáo dưỡng học trò, và chính nhân cách này đã tạo ra sức mạnh nội sinh để ngành giáo dục vượt qua các khó khăn những ngày đầu thành lập tỉnh, tạo ra “dáng dấp” giáo dục Dăk Nông ngày nay. Phải chăng đó là chân lý “Những thầy cô giỏi nhất dạy bằng trái tim, chứ không từ sách vở” , mà nhà giáo dục học Usinxki đã nói “ Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác” .
Nhân văn là tư tưởng và là lẽ sống mà đội ngũ nhà giáo của tỉnh ta may mắn được các thế hệ thầy cô truyền dạy. Chúng ta diễm phúc được nhân dân yêu quí và đặt trọn niềm tin. Ở tỉnh ta, đến bất kỳ nơi đâu, khi nói đến người thầy, bà con thường dành tình cảm kính trọng các thầy cô. Chắc hẳn với đồng lượng ít ỏi, người thầy không mang đến lợi ích vật chất cho ai, nhưng tại sao nhân dân yêu quí? Phải chăng bà con quí mến chúng ta vì chúng ta sống ân tình, gần gũi, đồng cảm và gieo được ước mơ trong mỗi con người. Đến với các xã biên giới như Quảng Trực, Dăk Wil, Thuân An,..,hay các xã đông đồng bào dân tộc thiểu số như Dăk Rtik, Dăk R’Măng, Nam Xuân, Long Sơn,.., hay các xã vùng khó khăn như Quảng Phú, Hưng Bình, Dăk Ngo,.. chúng ta mới thấy, mới trải nghiệm và cảm thông những vất vả, khó khăn, thiếu thốn của đội ngũ nhà giáo công tác nơi đây. So với nhiều đồng nghiệp hiện đang giảng dạy tại các vùng thuận lợi thì đội ngũ giáo viên này hàng ngày phải đối diện với nhiều khó khăn, vất vả, thử thách, thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần trong hành trình gieo hạt của mình. Khó khăn, vất vả, thiếu thốn là vậy nhưng trong những năm qua, đội ngũ nhà giáo của chúng ta vẫn kiên quyết bám trường, bám lớp, vượt qua bao khó khăn, thử thách của cuộc sống hàng ngày, thậm chí chấp nhận hy sinh cả chuyện hạnh phúc riêng tư để trụ vững trên bục giảng, mang từng con chữ đến với con em vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ở họ, tuy mỗi người có một hoàn cảnh, một cuộc sống khác nhau, song dường như tất cả họ đều có một nét chung rất đáng quý là đức tính hy sinh, chúng ta mới hiểu thêm nhân văn của Nhà giáo là dấn thân khi Nhân dân cần đến. Nhiều thế hệ nhà giáo đã dành trọn tuổi thanh xuân của mình cho vùng khó khăn nhất, nhiều người đã ở lại với đồng bào để gieo mầm con chữ, phải chăng đó là nghĩa cử nhân văn, lẽ sống cao đẹp của Nhà giáo chúng ta đã có mà nhà cách mạng Thổ Nhĩ Kỳ, Mustafa Kemal Atatürk đã nói: “ Một người thầy tốt giống như ngọn nến – cháy hết mình để thắp sáng đường đi cho những người khác”.
Lao động hết mình vượt qua khó khăn vì học sinh thân yêu là một nét đẹp truyền thống của các thế hệ Nhà giáo Đăk Nông. Khó mà tưởng tượng được sức nỗ lực đội ngũ cán bộ giáo viên của tỉnh ta trong hơn 10 năm qua, từ những ngày đầu tiên thành lập, toàn tỉnh còn 42/71 xã chưa có trường mầm non, 19/71 xã chưa có trường trung học cơ sở, giáo viên thiếu, cán bộ quản lý mỏng, chỉ có 1 trường đạt chuẩn quốc gia. Thế mà, trong một thời gian ngắn, vừa hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân ( quy mô trường học tăng gấp 2,5 lần), vừa ổn định và nâng cao chất lượng giáo dục ( tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT vào Đại học, Cao đăng tăng hơn 6 lần), vừa phổ cập giáo dục từ mầm non đến THCS, vừa phát triển hệ thống trường chuẩn quốc gia,… Dù ở cương vị nào, là giáo viên hay nhà quản lý; Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các thầy cô giáo cũng luôn nỗ lực hết mình vì một bài giảng hay hoặc một công việc có ý nghĩa để lại cho hậu thế. Từ khi bước vào đổi mới đến nay, dưới ánh sáng Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng, anh chị em giáo viên đã nỗ lực vượt khó, tự học, tự bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng với yêu cầu đổi mới giáo dục. Đây là nhu cầu tự thân của giáo viên, là truyền thống vô cùng tốt đẹp của đội ngũ nhà giáo Đắk Nông. Những sáng kiến kinh nghiệm hay, những sản phẩm khoa học ứng dụng được áp dụng trong giảng dạy là minh chứng rõ nét nhất cho truyền thống tốt đẹp này. Đến nay đội ngũ nhà giáo Đắk Nông có trên 99,8% đạt chuẩn trình độ đào tạo.
Còn nhiều nét đẹp truyền thống nữa mà chúng ta chưa thể nêu ra hết được. Cách khám phá tốt nhất là đắm mình vào môi trường thực tiễn, sống với thực tiễn. Chúng ta muốn nhấn mạnh truyền thống Nhà giáo Dăk Nông để tri ân các thế hệ thầy cô giáo đã cống hiến vì sự phát triển giáo dục hơn 10 năm qua; để nhắc các thế hệ giáo viên, học sinh “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời,”(Trích tác phẩm Thép đã tôi thế đấy). Chúng ta muốn nhấn mạnh quá khứ để làm bệ phóng cho tương lai.
Chúng ta đang đứng trước yêu cầu của thời đại. Đổi mới giáo dục là mệnh lệnh của cuộc sống. Chúng ta luôn ý thức rằng, một đất nước muốn phát triển bền vững phải có một nền giáo dục phát triển.
Chúng ta đang có một đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên vững vàng. Vấn đề đặt ra là làm sao để phát triển họ, để họ nêu cao trách nhiệm cá nhân trong từng hoạt động đổi mới giáo dục. Hiện nay, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương và chính sách đối với giáo dục, đối với nhà giáo, nhưng từ một nền kinh tế khó khăn, cuộc sống của người thầy chưa cải thiện được nhiều, lao động của người thầy chưa được đánh giá một cách đúng mức nhất. Mặt trái của kinh tế thị trường ít nhiều đã làm ảnh hưởng đến chân giá của người thầy, tác động tiêu cực đến quan niệm xã hội về hình ảnh người thầy. Chúng ta đang đối diện với những đòi hỏi đổi mới. Trong đó năng lực của người học, vấn đề phát triển cá nhân đang được chú trọng. Vị thế của Người Thầy không cho phép chúng ta bình chân được. Những chuẩn mực của Nền Giáo dục tương lai cũng không cho phép chúng ta vội vã. Vì vậy, hơn lúc nào hết, đây là lúc cần thiết tập trung toàn ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực vượt khó khăn, đi tiên phong trong đổi mới, lựa chọn mô hình, tìm biện pháp khả thi, cách làm thích hợp với địa phương, với học sinh của trường mình. Đó là tình cảm, là trách nhiệm thiêng liêng của thời đại trao cho chúng ta.
Trong thời gian tới, chúng ta tiếp tục tập trung quán triệt sâu sắc Nghị quyết của Trung ương Đảng, Chương trình hành động của Tỉnh ủy về đổi mới giáo dục; triển khai nghiêm túc Kế hoạch của UBND tỉnh đến các cơ sở giáo dục, coi trọng công tác bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý, chuẩn bị chu đáo các cơ sở cần thiết để thực hiện chương trình đổi mới. Các cơ sở giáo dục, các tổ chức Công đoàn cần coi trọng xây dựng tập thể đoàn kết, tập trung trí tuệ và tình cảm của các thầy cô giáo, cán bộ quản lý vì sự phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Dăk Nông.
Các thế hệ Nhà giáo đi trước trong khó khăn trăm bề vẫn dấn thân để xây dựng nền giáo dục “ của dân, do dân và vì dân”, đã cho chúng ta truyền thống tự hào như hôm nay, lẽ nào chúng ta quên đi tình sâu nghĩa nặng của tiền nhân? Chúng ta tin tưởng đội ngũ thầy cô đầy lòng Nhân ái – nhân văn – Lao động hết mình vượt qua khó khăn và khát khao sáng tạo sẽ làm chuyển mình sự nghiệp giáo dục tỉnh Dăk Nông, cùng cả nước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của Nhà giáo Việt Nam, nhà giáo Đắk Nông, xứng đáng với niềm tin, sự tôn vinh, sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân tỉnh nhà. Chúng ta tin tưởng rằng, trẻ em của chúng ta sẽ được hưởng một nền giáo dục nhân văn, đậm đà bản sắc Việt và tiến bộ của nhân loại.
Nguyễn Văn Hòa – Phó giám đốc Sở GD&ĐT