Theo ông Lê Huy – Phó Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, cuộc thi “Thiết kế bài giảng điện tử Tiếng Anh” sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng một kho học liệu điện tử Tiếng Anh phong phú, đa dạng, giàu ý tưởng, giàu sáng tạo, mang tính công nghệ cao để để cán bộ quản lí, giáo viên và học sinh trên toàn quốc có thể tham khảo và sử dụng.
Cuộc thi do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Hà Nội (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) phối hợp với Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức, nhằm tìm kiếm và tôn vinh giáo viên, sinh viên có bài giảng điện tử môn Tiếng Anh sáng tạo, chất lượng và ứng dụng kĩ năng số, công nghệ tiên tiến theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cuộc thi cũng nhằm triển khai hiệu quả việc dạy và học sách giáo khoa Tiếng Anh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đồng thời xây dựng kho học liệu Tiếng Anh chất lượng cao để cán bộ quản lí, giáo viên và sinh viên toàn quốc tham khảo, sử dụng.
Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực của người học.
Thầy, cô giáo là người tổ chức, định hướng cho học sinh trong học tập. Muốn vậy, kế hoạch giáo dục, giảng dạy phải được chuẩn bị, đầu tư kỹ lưỡng, giáo viên phải có năng lực thiết kế bài giảng. Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử Tiếng Anh sẽ là cơ hội, “cẩm nang” để thầy, cô giáo có thể tham khảo nhằm đạt được mục tiêu này.
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) phát biểu tại buổi lễ. |
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, mỗi kế hoạch bài dạy, giáo viên phải hình dung được diễn biến trong lớp học như thế nào, giao cho học sinh việc gì, sản phẩm thu được ra sao.
Sau khi có sản phẩm thì xử lý như thế nào để học sinh phát triển phẩm chất, năng lực. Nói cách khác, mỗi bài giảng như một câu chuyện, thiết bị dạy học và học liệu phải thể hiện được những điều mà cô – trò mong muốn.
Khẳng định, giáo viên luôn có nhu cầu học hỏi từ các nguồn tài liệu để phục vụ giảng dạy, cô Hà Thị Bích Hạnh – Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực (Ba Đình, TP Hà Nội) cho rằng, kho học liệu có được từ cuộc thi sẽ là nguồn tham khảo quý giá. Theo đó, giáo viên có thể tham khảo ý tưởng, tiếp cận đa dạng hoá các phương pháp dạy học hữu ích để áp dụng vào thực tế giảng dạy. Qua đó, có thể giảm bớt gánh nặng soạn bài trình chiếu và hỗ trợ giáo viên nhiều hơn trong giảng dạy.
Toàn cảnh buổi lễ. |
Cuộc thi không những tạo sân chơi để kết nối giáo viên phổ thông và sinh viên sư phạm tiếng Anh trên cả nước, PGS.TS Hà Lê Kim Anh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH quốc gia Hà Nội) nhìn nhận.
Thông qua cuộc thi, chúng ta sẽ có kho tài liệu quý giá. Đó là tổng hợp các bài giảng điện tử tiếng Anh phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018, được thiết kế đảm bảo 3 từ khoá mà cuộc thi hướng tới: chất lượng tốt, đảm bảo tính sáng tạo và ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến.
“Đây sẽ là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho giáo viên tiếng Anh cả nước; từ đó giúp nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong bối cảnh mới” – PGS.TS Hà Lê Kim Anh nhấn mạnh.
Theo ban tổ chức, đối tượng dự thi là giáo viên/nhóm giáo viên đã và đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông; sinh viên/nhóm sinh viên chuyên ngành Sư phạm Tiếng Anh của các trường đại học, cao đẳng.
Về nội dung, sản phẩm dự thi được thiết kế dựa theo quy định về xây dựng kế hoạch bài dạy của Bộ GD&ĐT. Sản phẩm dự thi cần cô đọng, chính xác, khoa học, hấp dẫn, ứng dụng công nghệ và mang tính sáng tạo riêng của tác giả. Có 2 hình thức sản phẩm dự thi:
Bài giảng Tiếng Anh: Được thiết kế cho một tiết học theo bộ sách giáo khoa Tiếng Anh Global Success của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam;
Bài giảng Tiếng Anh qua hoạt động dự án học tập: Được thiết kế cho một phần hoặc toàn bộ một tiết học Tiếng Anh qua dự án học tập, dựa trên các dự án được thiết kế sẵn hoặc sáng tạo mới theo các chủ đề trong bộ sách giáo khoa Tiếng Anh Global Success của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Các đại biểu tham dự buổi lễ. |
Từ 8h00 ngày 20/1/2024 đến hết 24h00 ngày 20/3/2024: Tác giả tạo tài khoản và đăng kí dự thi.
Từ 8h00 ngày 20/2/2024 đến hết 24h00 ngày 31/3/2024: Ban Tổ chức tiếp nhận sản phẩm dự thi.
Từ tháng 4 đến tháng 7/2024: Ban Giám khảo chấm thi.
Trong tháng 7, 8/2024: Công bố kết quả, tổ chức lễ tổng kết và trao giải (tổ chức theo hình thức trực tiếp).
Giải thưởng tập thể gồm 1 Giải Nhất, 2 Giải Nhì, 2 Giải Ba, 3 Giải phong trào. Các giải thưởng đều được nhận Kỉ niệm chương và Giấy chứng nhận của Ban tổ chức cùng quà tặng trị giá từ 20 triệu đến 50 triệu đồng.
Giải thưởng dành cho cá nhân gồm 10 Giải Đặc biệt, 20 Giải Nhất, 40 Giải Nhì, 60 Giải Ba, 100 Giải Khuyến khích. Tất cả các giải thưởng đều được nhận Giấy chứng nhận của Ban tổ chức, Khoá học trực tuyến của Pearson Teacher Education & Learning Academy về “ELT Teaching Strategies (Primary/Secondary)” trị giá 30USD, cùng tiền thưởng trị giá từ 3 triệu đến 10 triệu đồng. Riêng Giải Đặc biệt sẽ nhận thưởng chuyến đi học tập, trải nghiệm về giáo dục tại Singapore (hoặc tương đương) trị giá 50 triệu đồng
Chi tiết Thể lệ cuộc thi xem tại đây: