Những giáo viên ở lớp học đặc biệt
Lượt xem:
“Có lần cả lớp đang say sưa học bài thì một em đi vệ sinh ngay tại chỗ học, cô giáo lại phải dừng bài giảng, dọn dẹp lại lớp. Chính vì thế, đối với chúng tôi, các em được sống, được phát triển như những đứa trẻ bình thường đã là món quà quý giá nhất Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/10)”, cô Nguyễn Thị Thu Hằng, giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục và hòa nhập tỉnh Đắk Nông tâm sự.
Tình yêu dành cho những “vầng trăng khuyết”
Từ sáng sớm, chiếc sân nhỏ trước dãy nhà ăn của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục và hòa nhập tỉnh (Trung tâm) (phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa) đã có hơn 20 học sinh tập trung vui chơi. Đây đều là những học sinh mắc bệnh tự kỷ, tăng động, chậm phát triển trí tuệ hoặc câm điếc bẩm sinh… mà trung tâm đang can thiệp, hỗ trợ.
Ngày nào cô Nguyễn Thị Thu Hằng cũng cùng các giáo viên khác trong Trung tâm đều đến sớm để hỗ trợ 2 nhân viên cho trẻ ăn sáng trước khi vào lớp.
5 năm gắn bó với mái trường dành cho những đứa trẻ đặc biệt, cô Hằng nhớ gần như hết tên, đặc điểm, tính cách của những học sinh đang được can thiệp tại đây. Có em bị chậm phát triển trí tuệ, có em tăng động, lại có học sinh gặp vấn đề về giao tiếp… Mỗi trường hợp là một số phận, một cuộc đời khác nhau và có một cách can thiệp, hỗ trợ khác nhau.
Cô Hằng tâm sự, trước năm 2017, cô công tác tại một trường tiểu học ở Đắk Mil, sau khi Trung tâm thành lập và đi vào hoạt động, cô chuyển về đây để giảng dạy. Tiếp xúc với những đứa trẻ đặc biệt, chính cô Hằng cũng từng nghi ngại về quyết định táo bạo của mình. “Trước đây, tôi chỉ dạy trẻ bình thường nên khi dạy các em ở trung tâm, chắc chắn có những bỡ ngỡ, lạ lẫm. Dù chuẩn bị tâm lý từ trước, nhưng sau buổi học đầu tiên, tôi vẫn chưa hình dung được công việc của mình sau này như thế nào. Thời gian dần trôi qua, không biết từ bao giờ tôi yêu và gắn bó với những đứa trẻ ở đây bằng một tình cảm đặc biệt”, cô Hằng nói.
Từ sáng sớm, các cô giáo đã đến trung tâm để hỗ trợ học sinh ăn sáng |
Sau thời gian gắn bó, đến bây giờ, cô Hằng cũng không thể nào quên được hình ảnh những đứa trẻ ngây thơ, chỉ biết ngồi một chỗ khi lần đầu tiên được bố mẹ đưa đến lớp. Thậm chí, có em lần đầu đi học nên vệ sinh ngay ra quần hoặc có những em liên tục gào thét hoặc đập phá đồ đạc, trêu chọc bạn cùng lớp.
Thế nhưng, theo cô Hằng, chính vì những “vầng trăng khuyết” ấy là một phần lý do giữ chân cô tiếp tục công việc này. Cho đến hôm nay, cô Hằng vẫn luôn tâm niệm rằng, mình may mắn được sinh ra lành lặn, đủ đầy và có trách nhiệm chia sẻ, yêu thương những số phận bất hạnh.
Hàng ngày, trực tiếp đưa con đến gửi tại trung tâm, chị Trần Thị Tuyết, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) cũng cảm nhận được tình cảm, sự quan tâm của thầy cô giáo trong trung tâm.
Trước đây, khi Trung tâm chưa đi vào hoạt động, gia đình chị Tuyết phải gửi con lên Đắk Lắk để hỗ trợ can thiệp. Tuy nhiên, 3 năm qua, đây là mái nhà chung của con trai chị Tuyết và những cháu bé có cùng hoàn cảnh. Thậm chí, chị Tuyết nhiều lần “cảm thấy ngại” khi con nghịch ngợm, không phối hợp với các giáo viên trên lớp.
“Cháu học ở đây không chỉ giảm bớt chi phí, gánh nặng kinh tế cho gia đình mà chúng tôi cảm nhận được sự tận tâm, chia sẻ của các giáo viên. Hiện nay, sau một thời gian can thiệp, cháu đã nhận thức tốt hơn, biết làm một số việc để chăm sóc bản thân nên gia đình rất vui và hạnh phúc. Bản thân tôi rất biết ơn các giáo viên trong Trung tâm đã hỗ trợ cháu để cháu được phát triển như ngày hôm nay”, chị Tuyết nói.
Theo các thầy, cô giáo, món quà lớn nhất Ngày Nhà giáo Việt Nam là được thấy trẻ phát triển, tự tin hòa nhập |
Món quà lớn nhất là sự hòa nhập của trẻ
Mỗi lớp học tại Trung tâm có khoảng 6-8 học sinh, mỗi em lại ở một tình trạng khác nhau. Có những em khi được gửi vào Trung tâm đã gần 10 tuổi, nhưng nhận thức chỉ bằng trẻ 2 đến 3 tuổi, học trước quên sau nên giáo viên phải nhắc đi, nhắc lại nhiều lần để các em ghi nhớ. Một số em khác thì không thể cất tiếng nói, giáo viên phải tập cho trẻ làm quen với ngôn ngữ ký hiệu, công việc đòi hỏi thời gian và sự kiên trì, nhẫn nại.
Cô Nguyễn Thị Khang, Giáo viên lớp 1A4 chia sẻ thêm, do các em chậm phát triển về trí tuệ nên việc dọn dẹp phòng học, sắp xếp bàn ghế, phân chia đồ dùng học tập đều do cô giáo đảm nhận. Mỗi ngày học chính khóa, không chỉ cô Khang mà nhiều giáo viên khác phải đến trung tâm từ sớm, chuẩn bị lớp học sạch sẽ, tươm tất trước khi đón học sinh vào lớp.
Cô Khang cho biết, phần lớn các em được bố mẹ gửi nội trú ở đây, một số thì được đón về dịp cuối tuần, nhưng có em, hai ba tháng nay chưa được về nhà. Nhiều người lầm tưởng, khi xa gia đình, trẻ khuyết tật trí tuệ sẽ quậy phá đòi bố mẹ, nhưng thực ra các em rất nghe lời. Việc các em quậy phá hoặc có những hành vi hành hạ bản thân có thể xuất phát từ việc người lớn chưa hiểu được tâm lý các em.
Chia sẻ về Ngày Nhà giáo Việt Nam sau nhiều năm gắn bó với Trung tâm, cô Khang nói rằng: “Tôi may mắn được dạy các em từ những ngày chập chững vào trường, được cùng ăn, cùng chơi, cùng ngủ với các em học sinh nên rất thân thiết và gần gũi. Đối với tôi và các giáo viên Trung tâm, nhìn học sinh được sống, phát triển như những đứa trẻ bình thường là món quà quý giá nhất Ngày Nhà giáo Việt Nam. Đặc biệt, khi lắng nghe những lời nhận xét của phụ huynh khi thấy con ngày càng hoàn thiện bản thân, chúng tôi càng hạnh phúc, hãnh diện, đồng thời cũng lấy đó là động lực để tiếp tục yêu thương, chăm sóc học sinh”.
Tương tự, cô Triệu Thị Tuyền nói rằng, món quà Ngày Nhà giáo Việt Nam đối với toàn bộ thầy cô giáo trong Trung tâm cũng rất đỗi bình thường, đó là các em biết tự chăm sóc bản thân, tự lập và có thể hòa nhập với xã hội. Nhìn thấy học trò của mình tự tin, biết giao tiếp, nghe lời mọi người là món quà tinh thần, động viên giáo viên cố gắng và gắn bó với công việc này.
Thầy Trần Thanh Ảnh, Giám đốc Trung tâm cho biết, thời gian qua, Trung tâm là địa chỉ tin cậy để phụ huynh yên tâm gửi trẻ. Để làm được điều này, chính các giáo viên là một phần không thể thiếu, góp phần làm nên những thành công, giá trị xã hội mà Trung tâm mang lại.
“Ðiều may mắn nhất với Trung tâm là các cô giáo và nhân viên rất tâm huyết, yêu nghề, yêu trẻ. Ngày 20/11, chúng tôi chẳng ước mong gì hơn, chỉ muốn các em trưởng thành, được hòa nhập cộng đồng, được sống như những đứa trẻ bình thường” – thầy Ảnh nói.
https://baodaknong.org.vn/