Kỳ thi THPT Quốc gia 2017: Gắn tự chủ với tự chịu trách nhiệm cho các địa phương
Lượt xem:
Chưa đầy một tháng nữa, Kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ diễn ra với những điều chỉnh trong công tác tổ chức thi và xét tuyển sinh nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh. Tại thời điểm này, dư luận hết sức quan tâm đến công tác chuẩn bị tại các địa phương, cũng như những chỉ đạo của Bộ GD&ĐT để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT về những vấn đề dư luận quan tâm.
Các địa phương sẵn sàng cho kỳ thi
Thưa PGS. TS Mai Văn Trinh, được biết là Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ của Bộ GDĐT vừa đi kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi THPT Quốc gia 2017 tại một số tỉnh/thành phố. Xin ông cho biết công tác chuẩn bị ở các địa phương đến nay như thế nào?
PGS TS Mai Văn Trinh: Qua công tác kiểm tra, nhìn chung, công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia năm 2017 được thực hiện tích cực, chu đáo tại các địa phương.
Tất cả các tỉnh/thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố làm Trưởng ban. Thành phần của Ban chỉ đạo có đại diện lãnh đạo sở GDĐT, trường ĐH, CĐ đến phối hợp, lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh đã chủ động triển khai công tác tổ chức thi THPT quốc gia của địa phương mình thông qua việc ban hành các văn bản chỉ đạo, xây dựng kế hoạch công tác, phân công trách nhiệm rõ ràng đối với các sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ.
Các điều kiện đảm bảo cho kỳ thi đều được các địa phương tính toán cụ thể và có phương án bố trí hợp lý, đảm bảo đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu của quy chế. Đặc biệt, ngay cả ở các vùng có điều kiện khó khăn như các tỉnh thuộc Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, các tỉnh biên giới, hải đảo… cũng đã dành những điều kiện tốt nhất có thể cho các cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh tham gia kỳ thi này.
Các tổ chức xã hội, đoàn thể đều sẵn sàng hỗ trợ kỳ thi thông qua các chương trình “tiếp sức mùa thi” để hỗ trợ thí sinh và người nhà thông qua các chương trình từ thiện như cấp bữa ăn, nước uống, nơi ở miễn phí cho thí sinh. Một số địa phương cũng đã huy động thêm được nguồn kinh phí để hỗ trợ thêm cho cán bộ các ĐH, CĐ về coi thi và cho các thí sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Nhiều tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo thi cấp huyện như “cánh tay nối dài” của Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh để triển khai tốt công tác chuẩn bị cũng như tổ chức thi trên địa bàn.
Các trường đã nghiêm túc thực hiện kế hoạch năm học, hoàn thành chương trình năm học theo quy định, tổ chức ôn tập cho học sinh trên tinh thần tự nguyện của các em.
Chủ động công tác truyền thông để học sinh, phụ huynh và xã hội hiểu đúng về kỳ thi; tổ chức tập huấn kỹ lưỡng nghiệp vụ công tác thi cho các cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi.
Đảm bảo tuyệt đối mọi khâu của đề thi
Thưa ông, điểm mới trong kỳ thi năm nay là hầu hết các môn thi theo hình thức trắc nghiệm (trừ môn Ngữ văn). Số lượng đề thi sẽ rất lớn. Ví dụ, cụm thi thành phố Hà Nội sẽ cần tới 77.000 đề thi tự luận, 400.000 đề thi trắc nghiệm. Vậy Bộ GD&ĐT có phương án gì để hỗ trợ các địa phương trong công tác in sao đề thi?
PGS TS Mai Văn Trinh: Đề thi đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong mỗi kỳ thi, vì vậy, công tác in sao đề thi phải được hết sức được chú trọng.
Bộ GD&DT đã hướng dẫn chi tiết quy trình in sao đề thi, trong đó, đặc biệt lưu ý một số điểm sau:
Địa điểm in sao phải đảm bảo 3 vòng độc lập, cách ly, đáp ứng yêu cầu bảo mật, ăn, ở, in sao đề thi, phòng chống cháy nổ. Qua các đợt kiểm tra vừa qua cho thấy các địa phương đều đã có phương án chuẩn bị rất chi tiết, cẩn thận cho công tác in sao đề thi, xem đây là khâu rất quan trọng quyết định đến thành công của kỳ thi năm nay.
Bộ đã tập huấn kỹ nghiệp vụ in sao đề thi cho các đơn vị. Trong đó hướng dẫn chi tiết, tỉ mỉ về yêu cầu kỹ thuật đối với các máy móc, thiết bị, đặc biệt nhấn mạnh quy trình in sao, đóng gói, bảo mật đề thi.
Bộ cũng đã gửi công văn hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch và quy trình in sao đề thi báo cáo Bộ trước khi triển khai thực hiện.
Trong Quy chế quy định rõ khâu in sao đề thi của các Sở GD&ĐT. Theo ông, làm sao để các khâu sao in và vận chuyển đề thi tới các điểm thi được thực hiện an toàn?
PGS TS Mai Văn Trinh: Để các khâu in, sao vận chuyển đề thi được tuyệt đối an toàn đòi hỏi phải thực hiện nghiêm túc theo quy chế ở tất cả các khâu, dù nhỏ nhất trong quá trình in sao và vận chuyển, tuyệt đối không chủ quan, không được làm lướt.
Ở khâu in sao, ngoài công tác bảo mật ở vòng ngoài thì các Sở phải chuẩn bị máy móc, thiết bị, văn phòng phẩm đầy đủ, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật in sao với số lượng lớn nhưng lại đòi hỏi chất lượng in sao tốt.
Đặc biệt, phải lựa chọn những cán bộ tinh thần trách nhiệm cao, ý thức kỷ luật tốt, có sức khỏe và có kinh nghiệm trong công tác in sao, đóng gói đề thi. Ban in sao do một Lãnh đạo Hội đồng thi làm trưởng ban.
Khâu vận chuyển đòi hỏi các Hội đồng thi phải tính toán hợp lý để đưa được đề thi đến điểm thi an toàn, bảo mật, đáp ứng thời gian thi đã công bố. Trong đó, phải có sự giám sát của công an trong quá trình vận chuyển.
Địa điểm lưu trữ đề thi, bài thi phải đảm bảo an toàn, phòng chống cháy, nổ, phải được bảo vệ 24/24h trong ngày với sự có mặt của công an, Trưởng điểm thi và lực lượng bảo vệ điểm thi.
Xã hội vẫn có băn khoăn rằng, giao quyền chủ động cho các Sở GD&ĐT tổ chức thi rất khó nghiêm túc vì áp lực tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT hay việc chạy theo “bệnh thành tích” mà “nới lỏng”. Bộ GD&ĐT sẽ giải quyết như thế nào để đảm bảo khách quan, công bằng cho tất cả thí sinh?
PGS TS Mai Văn Trinh: Trước hết, cần nói rằng đây không phải là năm đầu tiên Sở GDĐT chủ trì kỳ thi. Trong quá khứ, qua các giai đoạn khác nhau thì các Sở GDĐT đều đã chủ trì các kỳ thi với những mức độ khác nhau. Những khó khăn, bất cập, hoặc những hiện tượng tiêu cực xảy ra trong quá khứ là bài học kinh nghiệm sâu sắc để tổ chức các kỳ thi, trong đó có Kỳ thi THPTQG.
Từ năm 2015 đến nay, khi tổ chức Kỳ thi THPTQG thì vai trò của Sở GDĐT ngày càng rõ nét, phù hợp với bản chất của kỳ thi THPT quốc gia cũng như trách nhiệm trước xã hội của các địa phương khi tổ chức kỳ thi này. Kỳ thi năm 2015, 2016 là sự tập dượt, chuẩn bị từng bước để năm 2017 này tổ chức thi tại các địa phương do Sở GDĐT chủ trì.
Giải pháp chỉ đạo của Bộ là tăng cường phối hợp đi liền với phân cấp, gắn tự chủ với tự chịu trách nhiệm cho các địa phương, đơn vị; đẩy mạnh tập huấn nghiệp vụ đi liền với nêu cao ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ tham gia tổ chức thi; quán triệt kỹ quy chế cho thí sinh và cán bộ tham gia các khâu của kỳ thi; tăng cường công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận, trong thí sinh, phụ huynh và xã hội để đảm bảo kết quả thi chính xác, khách quan, công bằng.
Công tác thanh tra sẽ được tăng cường, tất cả các vi phạm quy chế thi đều sẽ được xử lý nghiêm túc, đủ sức răn đe theo quy định của Quy chế và pháp luật hiện hành.
60% câu hỏi trong đề thi ở mức cơ bản
Cho đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT đã 3 lần công bố đề thi minh họa, đề thi thử nghiệm và đề thi tham khảo. Ông có thể bật mí về cấu trúc cũng như hướng ra đề thi năm nay?
PGS TS Mai Văn Trinh: Năm nay là năm đầu tiên trước kỳ thi Bộ đã công bố các đề minh họa, đề thi thử nghiệm, đề thi tham khảo làm cơ sở cho giáo viên và học sinh tham khảo trong dạy học và ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi. Các đề thi này đã giúp học sinh, giáo viên hình dung được dạng thức, mức độ của đề thi chính thức trong Kỳ thi THPTQG.
Theo đó có thể thấy, cấu trúc đề thi Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 phù hợp với hình thức thi theo bài đã công bố trong phương án thi. Đề thi có nội dung trong chương trình phổ thông, chủ yếu lớp 12 tiếp tục theo hướng đánh giá năng lực người học như tăng cường vận dụng kiến thức, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn; đảm bảo phân hoá kết quả thi để vừa đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa dùng để xét tuyển sinh ĐH, CĐ.
Trong mỗi đề thi của các môn thi thành phần và của các bài thi độc lập, các câu hỏi sẽ được sắp xếp từ dễ đến khó để tạo điều kiện thuận lợi cho các em trong khi làm bài. Đề thi sẽ có các câu hỏi ở mức độ cơ bản (khoảng ít nhất 60%) phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và các câu hỏi còn lại đáp ứng mục tiêu phân hóa ở các mức độ khác nhau để phục vụ mục tiêu xét tuyển sinh vào hệ thống các trường ĐH, CĐ khá đang dạng của nước ta hiện nay.
Mặc dù là năm thứ 3 tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nhưng với những điều chỉnh mới, nhiều thí sinh vẫn còn những băn khoăn nhất định. Ông có lời khuyên nào cho các thí sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT quốc gia?
PGS TS Mai Văn Trinh: Kỳ thi THPTQG 2017 được tổ chức nhằm hướng tới tạo thuận lợi, giảm tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội.
Phương án thi đã được công bố sớm, đề thi minh họa, đề thi thử nghiệm và đề thi tham khảo đã được công bố. Các em tham khảo, yên tâm học và ôn tập, bám sát chương trình lớp 12, không học tủ, học lệch, không học thêm tràn lan.
Bên cạnh đó, các em cần hiểu rõ quy chế thi để đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình và tránh những sai sót đáng tiếc trong đăng ký và dự thi.
Chúc các em học và ôn tập hiệu quả, đạt kết quả tốt trong kỳ thi tới.
Xin cảm ơn ông !
Theo Trung tâm truyền thông giáo dục
Để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, đảm bảo kết quả thi chính xác, khách quan, các trường ĐH, CĐ sẽ tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương. Ở khâu coi thi, trong mỗi phòng thi sẽ có một cán bộ là giáo viên THPT của tỉnh và một cán bộ giảng viên ĐH, CĐ làm giám thị. Tại mỗi điểm thi sẽ có một cán bộ đến từ trường ĐH, CĐ làm Phó trưởng điểm thi. Lãnh đạo trường ĐH, CĐ sư phạm tham gia làm Phó trưởng Ban chấm thi, cán bộ, giảng viên của các trường sẽ tham gia chấm thi. |