Hội nghị về phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên
Lượt xem:
Sáng 17/10/2017, tại thành phố Đà Lạt, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội nghị về phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên.
Chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị BCHTW Đảng – Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên; GS.TS Phùng Xuân Nhạ, UVBCHTW Đảng – Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, UVBCHTW Đảng – Giám đốc ĐHQG TP. Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị BCHTW Đảng – Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên nêu rõ: Tây Nguyên và các huyện miền núi của tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa giáp Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước. Để phát triển bền vững kinh tế – xã hội vùng Tây Nguyên, thời gian qua cùng với các chính sách chung về phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi, Đảng và Nhà nước ta cũng đặc biệt quan tâm đến các tỉnh vùng Tây Nguyên. Thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên, trong đó có Quyết định số 1951/2011/QĐ-TTg ngày 02/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục và đào tạo và dạy nghề các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi của tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa giáp Tây Nguyên giai đoạn 2011-2015. Tại Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2017, Chính phủ đồng ý tiếp tục thực hiện các chính sách được quy định tại Quyết định số 1951/QĐ-TTg ngày 02/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhằm mục đích rà soát, đánh giá tình hình phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên và các huyện miền núi của tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa giáp Tây Nguyên, từ đó đề xuất định hướng phát triển giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh trong Vùng giai đoạn 2017-2020 và những năm tiếp theo. Vì vậy, việc tổ chức Hội nghị về phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên là hết sức cần thiết.
Đồng chí Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị BCHTW Đảng – Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên phát biểu khai mạc Hội nghị
Để chuẩn bị cho Hội nghị phát triển giáo dục, đào tạo vùng Tây Nguyên, trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp cùng với Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, các trường đại học và các địa phương trong vùng đã có các khảo sát, nghiên cứu, đánh giá về tình hình phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên, đồng thời xây dựng các báo cáo tham luận cho Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị
Tại Hội nghị, báo cáo tham luận của ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, trường Đại học Đà Lạt, Ủy ban nhân dân các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng và ý kiến phát biểu của các vụ, cục thuộc Bộ GDĐT: Vụ Giáo dục Mầm non, Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Giáo dục Đại học, Vụ Vụ Kế hoạch Tài chính, Cục Cơ sở vật chất, Cục Nhà giáo và CBQLGD đã nêu những thành tựu đạt được cũng như đánh giá, phân tích làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc, đồng thời cũng đề xuất các giải pháp nhằm phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên, như việc xây dựng cơ chế, chính sách quy hoạch phát triển nguồn nhân lực gắn với phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng; giải pháp quy hoạch mạng lưới giáo dục mầm non, phổ thông; giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường ở các cấp học; giải pháp khắc phục tình trạng học sinh bỏ học; giải pháp phân luồng, định hướng giáo dục tiếp cận nghề nghiệp cho học sinh; làm rõ vai trò, trách nhiệm của các trường đại học trong vùng với sự phát triển nguồn nhân lực; việc phối hợp giữa các trường đại học với cơ sở giáo dục và đào tạo trong việc bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng…
GS.TS Phùng Xuân Nhạ, UVBCHTW Đảng – Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu kết luận Hội nghị
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã đưa ra 9 nhiệm vụ để phát triển giáo dục và đào tạo tại vùng Tây Nguyên, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc quy hoạch, xây dựng mạng lưới các cơ sở giáo dục hiệu quả; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; tăng cường cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý giáo dục cũng như dạy học; tăng cường công tác kiểm định chất lượng; tăng cường học ngoại ngữ song song với việc nâng cao chất lượng dạy, học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số; có phương pháp giảng dạy linh hoạt, gắn liền với thực tế, tăng cường dạy kĩ năng cho học sinh; đẩy mạnh công tác truyền thông.