Hiệu quả thư viện thân thiện ở trường tiểu học
Lượt xem:
Thời gian qua, mô hình thư viện thân thiện tại các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, thúc đẩy văn hóa đọc trong trường tiểu học, giúp học sinh hình thành thói quen, đam mê đọc sách.
Giờ ra chơi tại Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, phường Nghĩa Tân, TP. Gia Nghĩa, nhiều học sinh có thói quen đến Phòng Thư viện để đọc sách. Mỗi em tự lựa chọn cho mình những quyển sách yêu thích và cùng nhau ngồi đọc, trao đổi, cười rôm rả. Nhiều em chọn cho mình góc yên tĩnh hơn để đọc và ghi nhớ. Để phục vụ học sinh, nhà trường huy động các nguồn lực đầu tư trang trí, thêm đầu sách cho thư viện.
Phòng thư viện được trang trí đẹp mắt. Sách được trưng bày trên kệ và phân loại theo chiều cao, trình độ của học sinh và được dán theo từng mã màu nhằm tạo ra môi trường đọc thân thiện, cuốn hút. Học sinh Nguyễn Thùy Linh, lớp 5A1 chia sẻ: “Một tuần cả lớp sẽ lên phòng đọc thư viện một tiết để đọc sách. Ngoài ra, các giờ ra chơi em và các bạn thường xuyên lên thư viên đọc truyện tranh, sách trinh thám, truyện cổ tích, kiến thức về thế giới động vật, thực vật, các hiện tượng tự nhiên… Em thấy nhiều bạn gần như giờ ra chơi nào cũng đều lên thư viện đọc sách”.
Còn học sinh Trần Nho Hoàng Minh, lớp 5A1 cho biết: “Em thích tìm hiểu về lịch sử nên những quyển sách trong thư viện trường em gần như đọc gần hết. Từ ngày hay lên thư viện đọc sách, em thấy mình biết thêm rất nhiều sự kiện lịch sử hay, thú vị. Ngoài đọc ở thư viện, em còn nhờ bố mẹ mua thêm các sách lịch sử về đọc”.
Cô giáo Phạm Thị Thịnh, Chủ nhiệm lớp 5A1, Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc chia sẻ: “Từ ngày thư viện được đầu tư thêm các đầu sách, phòng đọc được trang trí lại thì số lượng học sinh đọc sách tăng lên rất nhiều. Nhiều em còn mượn sách về nhà đọc. Đầu sách phong phú gần như đáp ứng hết nhu cầu, sở thích của các em. Khi đọc sách nhiều giúp học sinh củng cố được rất nhiều kiến thức, tìm hiểu, khám phá thế giới xung quanh, rèn luyện được thói quen đọc sách từ nhỏ của học sinh”.
Được biết, Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc là một trong những đơn vị hưởng lợi từ mô hình thư viện thân thiện không chỉ được đầu tư nhiều đầu sách mà cán bộ, giáo viên được tập huấn, vận hành sử dụng nên phát huy được hiệu quả hơn nhiều so với mô hình thư viện cũ. Ngoài thư viện trong phòng, Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc tạo một không gian thư viện xanh ở ngoài trời để thu hút học sinh đọc sách nhiều hơn. Hàng tuần, mỗi lớp thay nhau học 1 tiết thư viện theo thời khóa biểu và có giáo viên giảng dạy. Ngoài ra, trường cũng có hệ thống hướng dẫn việc quản lý và sử dụng thư viện rõ ràng.
Ngoài Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, trên địa bàn TP. Gia Nghĩa có 2 trường được hưởng lợi từ mô hình thư viện thân thiện gồm: Trường tiểu học Võ Thị Sáu ở phường Nghĩa Thành và Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân ở xã Đắk Nia.
Nhân rộng mô hình
Đắk Nông tham gia mô hình thư viện thân thiện từ năm 2019 và là một trong 10 tỉnh, thành phố trong cả nước được hưởng lợi từ mô hình trường học thân thiện. Đây là mô hình do Bộ GD-ĐT phối hợp với tổ chức Room to Read thực hiện và được đánh giá là phù hợp với tâm sinh lý độ tuổi tiểu học, hỗ trợ hiệu quả việc xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh. Các trường học tham gia mô hình được cấp sách miễn phí. Bình quân một học sinh được cấp 5 đầu sách ở các thể loại từ sách tham khảo, truyện…
Bên cạnh đó, để triển khai hiệu quả mô hình thư viện thân thiện, Sở GD-ĐT đã cử 6 cán bộ tham gia tập huấn về thiết lập và quản lý thư viện, tiết đọc thư viện, giám sát và hỗ trợ địa phương. Sở phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức triển khai 12 đợt tập huấn cho hơn 354 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên thư viện về thiết lập và quản lý thư viện, tiết đọc thư viện cho các trường được lựa chọn tham gia dự án và các trường tự nguyện nhân rộng mô hình thư viện thân thiện.
Các nhà trường tham gia còn được hỗ trợ, tư vấn việc thiết lập thư viện phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị. Nhờ đó, các trường đã hoàn thành việc thiết lập và quản lý thư viện; tiến hành cải tạo, sửa chữa và trang trí phòng thư viện, trưng bày sách đúng chuẩn, có tính thẩm mỹ. Hầu hết các trường đã tổ chức tiết đọc thư viện linh hoạt trong thời khóa biểu hoặc trong các hoạt động giáo dục khác bình quân từ 2 đến 4 tiết/tháng.
Theo đánh giá, nhiều đơn vị trường học đã phát huy những ưu điểm của mô hình thư viện thân thiện. Các cơ sở giáo dục đã phối hợp hoạt động thư viện với hoạt động chuyên môn để học sinh đạt được những yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Sau một thời gian triển khai đã giúp học sinh hình thành thói quen chủ động tìm đến thư viện để lựa chọn những quyển sách theo sở thích.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông cho biết, sau khi triển khai, ưu điểm lớn nhất của mô hình thư viện thân thiện là đã thay đổi hoàn toàn về hình ảnh của thư viện truyền thống trong nhà trường. Từ những “kho” chứa sách ban đầu, thư viện được mở rộng về diện tích, thiết kế sáng tạo, đẹp mắt, tạo ra một không gian, môi trường đọc sách thân thiện với học sinh. Các loại đồ dùng, thiết bị được trang bị đầy đủ, đáp ứng tốt nhất cho việc đọc của học sinh. Cùng với đó, các trường đã rất sáng tạo trong việc tổ chức các hoạt động khuyến đọc nhằm tạo thói quen đọc cho học sinh và tạo sức lan tỏa của thư viện trường học vào cộng đồng. “Từ hiệu quả việc triển khai áp dụng mô hình trường học thân thiện ở một số trường tiểu học, ngành Giáo dục Đắk Nông từng bước nhân rộng các mô hình sang các đơn vị trường học khác để phát triển phong trào đọc trong học sinh ở các cấp học một cách phù hợp”, ông Hải thông tin.
Nguyễn Hiền, Báo Đắk Nông