Giáo dục để lại nhiều dấu ấn
Lượt xem:
Trải qua những khó khăn, gian nan trong những ngày đầu mới thành lập tỉnh Đắk Nông, được sự quan tâm về mọi mặt cũng như sự nỗ lực vươn lên, đến nay, ngành Giáo dục đã có sự phát triển vượt bậc cả về quy mô lẫn chất lượng giáo dục, để lại nhiều dấu ấn.
Phát triển về quy mô
Trường mầm non Hoa Lan ở xã Quảng Trực (Tuy Đức) trước đây là một trong những điểm trường vùng biên giới thuộc diện khó khăn nhất của tỉnh. Cơ sở vật chất chỉ có 3 phòng học tạm bợ, nhếch nhác, nhuộm màu đất đỏ bazan. Phụ huynh đưa con đến trường phải đi qua những tuyến đường dài, lầy lội. Hầu như đến năm học nào, giáo viên cũng phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động phụ huynh cho trẻ đến trường. Nhiều giáo viên phải mua bánh kẹo để giữ học sinh.
Thế nhưng, đến năm 2015, Trường mầm non Hoa Lan được xây cơ sở mới, khang trang, khuôn viên sạch đẹp. Toàn trường hiện có 14 phòng học, có đủ phòng hiệu bộ, hệ thống nước sạch, vệ sinh khép kín, thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng chăm sóc và nuôi dạy trẻ.
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hải cho biết: “Hiện tại, trường có gần 500 trẻ các khối, lớp. Cơ sở vật chất hiện nay cơ bản bảo đảm cho trẻ học 2 buổi/ngày. Phòng học rộng, thoáng, sạch sẽ, được giáo viên trang trí nữa nên trẻ rất thích. Cơ sở vật chất bảo đảm tạo thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động, đồng thời là điều kiện để nhà trường nâng cao chất lượng phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi”.
Không riêng Trường mầm non Hoa Lan, nhiều trường học khác trên địa bàn tỉnh cũng từng bước được đầu tư về cơ sở vật chất, đáp ứng cơ bản về nhu cầu học tập của con em trên địa bàn. Nếu năm học 2003-2004, toàn tỉnh có 105.020 học sinh thì đến nay đã tăng lên 166.640 em. Nhằm đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao, tỉnh đã quan tâm đầu tư mở rộng tương đối hợp lý. Bình quân mỗi đơn vị cấp xã có 1,7 trường mầm non, hơn 2 trường tiểu học, hơn 1 trường THCS và bình quân mỗi đơn vị cấp huyện có 3 trường THPT, 1 trường phổ thông dân tộc nội trú, tất cả các xã có trung tâm học tập cộng đồng.
Nâng cao về chất lượng
Cùng với sự phát triển về quy mô trường lớp học, chất lượng giáo dục cũng có những bước chuyển biến rõ nét, một phần lớn nhờ vào việc ngành Giáo dục đã triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, đội ngũ giáo viên được quan tâm đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn. Đến nay, toàn tỉnh đã có 100% giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên 90% đạt trình độ trên chuẩn.
Công tác giáo dục học sinh ở vùng dân tộc thiểu số được quan tâm. Ngoài các chính sách của Trung ương, HĐND tỉnh ban hành nhiều chính sách đặc thù đối với học sinh vùng dân tộc thiểu số như hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh và sinh viên, tăng cường tiếng Việt… Các chính sách dành cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số đã góp phần tích cực trong nâng cao chất lượng giáo dục đại trà vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hạn chế tối đa học sinh bỏ học giữa chừng.
Bên cạnh đó, các đoàn thể, cá nhân, nhà trường tích cực kêu gọi ủng hộ, lan tỏa tinh thần cộng đồng trách nhiệm trong hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số như thực hiện bán trú, học bổng, cấp phát sách vở, quần, áo, mũ bảo hiểm…
Công tác phổ cập được quan tâm đồng bộ. Hiện nay, tỉnh đang duy trì và nâng chất lượng phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi và tiểu học, hướng đến phổ cập bậc THCS, các bậc học đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hàng năm, tỷ lệ huy động trẻ từ 3-5 tuổi đến trường đạt trên 84%, trong đó trẻ 5 tuổi đạt 100%, tỷ lệ hoàn thành chương trình tiểu học đạt trên 93%, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT ngày càng tăng. Trong năm học 2017-2018, xét tuyển đợt 1 toàn tỉnh có gần 70% học sinh đậu vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước; riêng Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh (Gia Nghĩa) đạt trên 99%.
Với những thành tích mang đậm dấu ấn, nhiều năm liền, ngành Giáo dục Đắk Nông vinh dự được Bộ Giáo dục-Đào tạo tặng Cờ thi đua tiêu biểu, xuất sắc về đổi mới, sáng tạo trong dạy học.
Từ chỗ chỉ có 174 cơ sở giáo dục ngày mới thành lập tỉnh, đến nay đã tăng lên 398 cơ sở, tăng 2,28 lần. Trong đó, bậc mầm non có 121 trường công lập và ngoài công lập; bậc tiểu học có 148 trường; bậc THCS và THPT có 116 trường. Số lượng phòng học kiên cố và bán kiên cố ngày càng tăng. Nhiều địa phương đã xóa được phòng học mượn như thị xã Gia Nghĩa, huyện Đắk Mil, huyện Đắk R’lấp… Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được chú trọng, đến nay toàn tỉnh đã có 111 trường được công nhận đạt chuẩn.
Theo.baodaknong.org.vn |