Giáo dục Đắk Nông chuyển mình mạnh mẽ

Lượt xem:

Đọc bài viết

Đắk Nông đã chú trọng đầu tư về mọi mặt về giáo dục. Nhờ đó, chất lượng giáo dục không ngừng tăng lên theo hướng toàn diện.

Thay đổi cả chiều sâu lẫn chiều rộng

Trường tiểu học Võ Thị Sáu ở xã Đắk Nang, huyện Krông Nô được thành lập năm 1990. Những năm đầu mới hoạt động, trường chỉ có 10 phòng học cấp 4, với hơn 300 học sinh, trong đó trên 90% là học sinh dân tộc thiểu số.

Theo nhiều cán bộ, giáo viên của trường, ngày ấy ngoài thời gian dạy, phần lớn thời gian đều dành để “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động học sinh đến trường vì tỷ lệ học sinh bỏ học cao. Những em đi học được thì cũng chỉ đi được một buổi, buổi chiều nghỉ học do nhà xa. Học sinh đi học có em còn xỉu trên lớp vì đói. Hầu hết học sinh lớp 1 không biết đọc tiếng Việt.

Cùng với sự quan tâm đầu tư của các cấp, nhất là sự tích cực, năng động của đội ngũ cán bộ, giáo viên, đến nay trường đã có sự chuyển biến tích cực về mọi mặt, nhất là chất lượng giáo dục. Bà Nguyễn Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Thị Sáu cho biết: “Từ nguồn xã hội hóa, đến nay trường đã xây dựng được đường vào trường, sân bóng cho học sinh, nhà công vụ cho giáo viên. Đặc biệt, trường đã xây dựng được bếp ăn miễn phí cho học sinh với quy mô 200 suất ăn/ngày. Bếp ăn duy trì 4 ngày trong tuần đã hỗ trợ học sinh nhà ở xa, học sinh khó khăn được đến lớp. Tỷ lệ học sinh bỏ học từ 50% thì nay chỉ còn khoảng 1-2 em/năm. Thời gian trước để đi vận động học sinh đến trường thì nay giáo viên dành nâng cao chất lượng dạy và học, triển khai các hoạt động hỗ trợ học sinh đến trường. Chất lượng giáo dục đại trà được nâng lên rõ rệt. Năm 2004, số học sinh không hoàn thành chương trình lớp học chiếm 14% thì đến nay giảm chỉ còn khoảng 1,2%”.

123.jpg
Bếp ăn bán trú Trường tiểu học Võ Thị Sáu, xã Đắk Nang, huyện Krông Nô (Đắk Nông) duy trì 200 suất ăn mỗi ngày với kinh phí hoàn toàn do nhà trường thực hiện xã hội hóa

Bậc mầm non có tỷ lệ trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày đạt 100%, trên 94% trẻ được ăn bán trú. Tỷ lệ trẻ hoàn thành chương trình tiểu học đạt trên 97%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT năm 2023 là 97,5% (tăng 8,7% so năm 2004). Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT thi và xét tuyển các trường đại học, cao đẳng đạt trên 56,26%.

Báo cáo số 361-BC/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông

Ngoài chất lượng đại trà được nâng cao thì chuyển biến rõ nét nhất chính là sự chuyển biến từ nền giáo dục tập trung trang bị kiến thức sang tập trung dạy học, phát hiện năng lực và phẩm chất của học sinh. Chất lượng giáo dục mũi nhọn được quan tâm đúng mức.

Tỷ lệ học sinh xếp loại giỏi tăng nhanh qua từng năm. Cụ thể, bậc THCS có tỷ lệ học sinh giỏi chiếm 11,9%; bậc THPT chiếm 16,2%. Học sinh giỏi quốc gia tăng về chất lượng và số lượng. Từ năm 2024 đến nay, toàn tỉnh có 143 học sinh đạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Riêng Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh (TP. Gia Nghĩa) sau hơn 10 năm thành lập đã đào tạo hơn 500 học sinh giỏi cấp tỉnh, hơn 60 học sinh giỏi quốc gia.

Nâng tầm con người và cơ sở vật chất

Ngành Giáo dục đã tích cực huy động các nguồn lực, kết hợp linh hoạt các nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học theo hướng kiên cố hóa và chuẩn hóa. Trang thiết bị dạy học được tăng cường theo hướng hiện đại hóa, từng bước đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Đến nay, toàn ngành đã khắc phục được tình trạng học 3 ca, hệ thống trường lớp được mở rộng, ngày càng khang trang.

img_9729.jpg
Học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm , TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) là một trong những trường dẫn đầu về chất lượng mũi nhọn của bậc học trên địa bàn

Thống kê, toàn tỉnh hiện có 5.428 phòng học, trong đó phòng học kiên cố có 3.694 phòng, chiếm 68,1%. Tỷ lệ thiết bị đáp ứng nhu cầu dạy học đạt 60,8%. Nhiều trường mầm non, tiểu học đã có đủ cơ sở vật chất, đồ dùng, đồ chơi ngoài trời. Hầu hết các trường THPT từng bước được đầu tư chuẩn hóa và hiện đại các phòng học bộ môn.

100% trường học các cấp học có phòng vi tính, máy vi tính được nối mạng phục vụ tốt công tác quản lý, dạy và học. Khuôn viên, cảnh quan môi trường của các cơ sở giáo dục đã có một diện mạo khang trang, xanh, sạch, đẹp, an toàn và thân thiện. Tổng số trường chuẩn quốc gia hiện có là 189, đạt tỷ lệ 59,6%.

img_0193.jpg
Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, phường Nghĩa Đức, TP.Gia Nghĩa (Đắk Nông)

Cùng với phát triển quy mô trường lớp, ngành Giáo dục tập trung ưu tiên nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp. Đến nay, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đã phát triển nhanh về số lượng, cơ bản bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu và phân bổ khá toàn diện trong các cấp, bậc học. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn đào tạo từng cấp học tăng cao, trong đó, bậc mầm non: 81,6%; tiểu học: 87,6%; THCS: 90,4% và THPT: 100%. 100% đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên, được bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức quản lý.

123.png

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở GDĐT Đắk Nông cho biết: “Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, ngành Giáo dục Đắk Nông có sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng. Đặc biệt, chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số từng bước được nâng lên rõ rệt, rút ngắn khoảng cách chất lượng giáo dục với vùng trung tâm. Chất lượng mũi nhọn được các cơ sở giáo dục chú trọng song hành cùng phát triển chất lượng đại trà. Hàng năm, Đắk Nông luôn có học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định mục tiêu giáo dục trong thời gian tới là phát triển theo hướng thân thiện, hiện đại và hội nhập; xây dựng ngành Giáo dục – Đào tạo tỉnh Đắk Nông phát triển ngang tầm với các tỉnh tiên tiến ở vùng Tây Nguyên và cả nước.

hai-gd.png

Theo ông Phan Thanh Hải, để đạt được các mục tiêu đề ra phải có sự quyết tâm cao và triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp. Trong đó, toàn ngành Giáo dục tiếp tục tập trung hơn nữa nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phát triển giáo dục mũi nhọn.

Ngành tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. Ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục dân tộc, bảo đảm các điều kiện phát triển giáo dục bền vững, góp phần ổn định chính trị, giữ vững an ninh.

Nguyễn Hiền

https://baodaknong.vn/