Gia Nghĩa, các trường được hỗ trợ thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1
Lượt xem:
Nhằm triển khai hiệu quả công tác dạy, học chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1, Phòng Giáo dục-Đào tạo TP. Gia Nghĩa đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các trường học. Nhiều vướng mắc trong công tác quản lý, triển khai chương trình của cán bộ, giáo viên từng bước được hỗ trợ kịp thời.
Lắng nghe giáo viên
Mới đây, Phòng GD-ĐT thành phố tổ chức sinh hoạt chuyên môn cụm trường nhằm nắm bắt tình hình triển khai dạy học ở các trường đối với chương trình lớp 1. Sau khi chia thành 4 cụm trường và tổ chức các tiết dạy mẫu, cán bộ quản lý, giáo viên dạy lớp 1 cùng nhau chia sẻ thuận lợi, khó khăn khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Giáo viên Trường tiểu học Thăng Long cho học sinh tự tìm âm ghép nhằm phát huy tính sáng tạo, chủ động |
Cô Đinh Thị Hải Đoàn, Trường tiểu học Thăng Long ở phường Nghĩa Đức chia sẻ: “Ưu điểm dễ thấy nhất của chương trình lớp 1 là có sự chuyển hóa rõ nét về việc phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Điển hình như trước đây giáo viên dạy âm nào thì học sinh chỉ biết âm đó nhưng nay các em có thể tự tìm âm để ghép. Giáo viên chỉ cần định hướng để học sinh biết thêm nhiều từ có nghĩa khác, tạo thêm sự hứng thú cho các em”.
Cô Trần Thị Yến, Trường tiểu học Võ Thị Sáu ở phường Nghĩa Thành cho biết: “Chương trình sách giáo khoa lớp 1 mới có nhiều hình ảnh. Việc ứng dụng công nghệ thông tin để trình chiếu hình ảnh minh họa sẽ giúp học sinh hứng thú hơn, nội dung bài học được chuyển tải nhiều hơn. Đây là thuận lợi dễ thấy nhưng không phải lúc nào giáo viên cũng có máy để trình chiếu”.
Giáo viên cho học sinh tổ chức xen kẽ những phút thư giãn trong giờ học |
Nhiều giáo viên khác cũng chia sẻ những khó khăn trong quá trình triển khai dạy và học chương trình lớp 1 mới. Việc học sinh lớp 1 nghỉ học phòng, chống dịch bệnh lâu ở lớp mầm non đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào. Theo quy định, học sinh bước vào lớp 1 phải làm quen trước với bảng chữ cái và số nhưng nhiều em khi đi học gần như quên hết, thậm chí không biết cách cầm bút.
Một số giáo viên khác còn phân vân vì một số bài ở môn Tiếng Việt tương đối dài, ảnh hưởng đến thời lượng các tiết học.
Giáo viên có thể linh động
Những vướng mắc của giáo viên đã được cán bộ quản lý định hướng, tháo gỡ. Theo bà Lê Thị Như Hương, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT TP. Gia Nghĩa, chương trình sách giáo khoa lớp 1 được thiết kế theo hướng mở, trao quyền chủ động nhiều hơn cho giáo viên. Một số bài học được thiết kế khá dài hay một số bài có âm tiết dài, giáo viên không nhất thiết phải dạy hết tất cả. Chủ ý thiết kế như vậy là nhằm tích hợp giúp học sinh phân biệt, so sánh, nắm chắc hơn các âm tiết.
Giáo viên có thể chắt lọc, giúp các em thêm kỹ năng phân biệt các âm tiết. Giáo viên cũng không cần thiết phải dạy “chạy” chương trình vì trong năm học, ngoài 1 tuần làm quen đầu năm học thì vẫn còn 3 tuần dự phòng. Với những nội dung khó hơn hay dài hơn đối với học sinh, giáo viên có thể sử dụng thời gian này để giảng bài.
Nói chung, tùy vào đối tượng học sinh của mình, giáo viên có thể linh động thiết kế giờ dạy phù hợp để các em có thể tiếp cận tốt nhất.
Sau các tiết giảng, cán bộ quản lý, giáo viên cùng sinh hoạt chuyên môn, chia sẻ những vướng mắc để kịp thời được hỗ trợ |
Không “bỏ sót” học sinh
Theo bà Phạm Thị Hà, Trưởng Phòng GD-ĐT TP. Gia Nghĩa, để triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 được hiệu quả, vai trò của các nhà trường và giáo viên rất quan trọng. Đối với các trường, trước hết là vai trò quản lý, điều phối các hoạt động giáo dục với nhiều nhiệm vụ như chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… Trong đó, vai trò quan trọng nhất là bồi dưỡng để giáo viên nắm vững chương trình. Đối với giáo viên cần thay đổi nhận thức.
Vì vậy, Phòng GD-ĐT TP. Gia Nghĩa đa dạng hóa hơn các hình thức sinh hoạt chuyên môn, kịp thời hỗ trợ các nhà trường trong triển khai dạy và học chương trình giáo dục phổ thông mới tốt nhất. Ngay đầu năm học, các nhà trường đã gửi thư ngỏ cho phụ huynh có con em học lớp 1 nhằm tuyên truyền những nội dung liên quan đến nội dung lớp 1 để có thể chia sẻ, phối hợp cùng thực hiện hiệu quả chương trình theo mục tiêu đề ra.
Sau các đợt sinh hoạt chuyên môn cũng như các tiết giảng dạy, cán bộ, giáo viên cần rút kinh nghiệm trong phương pháp dạy học nhằm điều chỉnh các hoạt động dạy học, linh hoạt thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn. Mỗi đơn vị trường học hướng dẫn giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp, bảo đảm tính khoa học và chuyên môn, tăng cường ứng dụng sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học.
Nhà trường giao quyền chủ động cho giáo viên trong việc xây dựng kế hoạch chương trình, nội dung dạy học. Giáo viên quan tâm nhiều hơn đến tất cả học sinh của lớp, bảo đảm không bỏ quên bất kỳ em nào trong các hoạt động dạy và học.
Các trường ở vùng có nhiều học sinh dân tộc thiểu số, học sinh khó khăn cũng được chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể về các biện pháp hoạt động tăng cường Tiếng Việt cho học sinh một cách linh hoạt khoa học.
Theo http://baodaknong.org.vn/