Dự án Phát triển giáo dục THPT giai đoạn 2: Rút ngắn khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền
Lượt xem:
Ngày 29/5, Dự án Phát triển giáo dục THPT giai đoạn 2 tổ chức Hội nghị tổng kết. Dự Hội nghị có Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ, đại diện ngân hàng ADB – đơn vị hỗ trợ vốn vay thực hiện dự án và đại diện các Sở GDĐT được thụ hưởng từ dự án.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ GDĐT cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai dự án Phát triển giáo dục THPT giai đoạn 2
1.068 phòng học tại 133 trường học được xây dựng
Dự án Phát triển giáo dục THPT giai đoạn 2 có mục tiêu: tăng cường chất lượng giáo dục THPT tiếp cận chuẩn chất lượng giáo dục THPT của các nước tiên tiến; mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục THPT cho các nhóm thiệt thòi; tăng cường năng lực lập kế hoạch và quản lí giáo dục THPT. Theo đó, dự án có 5 hạng mục chính là: xây dựng cơ bản; mua sắm thiết bị và đồ gỗ; sách và tài liệu hướng dẫn; phát triển đội ngũ; nghiên cứu, khảo sát, thí điểm.
Được khởi động từ năm 2013, sau gần 7 năm thực hiện, các hoạt động của dự án cơ bản đã hoàn thành hoặc hoàn thành vượt mức. Đơn cử, với hạng mục xây dựng cơ bản, tại 33 tỉnh khó khăn, dự án đã xây dựng được 1.068 phòng học tại 133 trường học (đạt 101,7%) và 6 trung tâm phát triển kĩ năng sư phạm thuộc 6 khoa/trường đại học sư phạm.
Ở hạng mục sách và tài liệu hướng dẫn, dự án đã hoàn thiện biên soạn tài liệu hướng dẫn tự học của 10 môn học cho học sinh; bộ tài liệu hướng dẫn cho giáo viên giáo dục thường xuyên khối 10, 11, 12. Công cụ giao tiếp và học tập cho học sinh khiếm thính đang được dự án tiến hành biên soạn.
Về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, dự án đã tập huấn trong nước được cho 82.795 cán bộ quản lý, giáo viên cấp THPT theo 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp, đạt 178%. Nhóm đào tạo trong nước vẫn tiếp tục được triển khai.
Trong đào tạo nước ngoài, dự án đã đào tạo ngắn hạn cho 73 chuyên gia cốt cán về biên soạn chương trình, sách giáo khoa. 15 giảng viên , cán bộ chuyên môn trường đại học Sư phạm được đào tạo ngắn hạn về xây dựng Trung tâm phát triển kỹ năng sư phạm. 15 cán bộ quản lý nòng cốt được đào tạo ngắn hạn về năng lực tổ chức, quản lý hoạt động giáo dục ở trường THPT.
“Đây là một trong những dự án về giáo dục được hoàn thành rất tốt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Đây là nỗ lực lớn của ban quản lý dự án cấp trung ương và địa phương; đồng thời cho thấy sự chỉ đạo sát sao, hiệu quả từ phía Bộ GDĐT” – ông Ngô Quang Vịnh – đại diện ngân hàng ADB – đơn vị hỗ trợ vốn vay thực hiện dự án nói.
Chất lượng giáo dục nâng lên
Là một trong những địa phương được thụ hưởng từ dự án Phát triển giáo dục THPT giai đoạn 2, ông Lê Bá Phương, Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Ninh Thuận cho biết, chất lượng giáo dục của địa phương được nâng lên rõ rệt.
“Thành công lớn nhất của dự án ở Ninh Thuận là tăng được tỷ lệ học sinh đến trường, duy trì tốt sĩ số học sinh; số lượng học sinh lưu ban, học sinh bỏ học giảm rất nhiều. Trước đây chúng tôi có gần 10% học sinh THPT bỏ học mỗi năm, con số này bây giờ chỉ khoảng 1,5%. Đó là thành công trên mong đợi khi chúng tôi triển khai các hoạt động trong dự án” – ông Phương nói.
Lãnh đạo Sở GDĐT tỉnh Ninh Thuận cũng cho biết, trước khi triển khai dự án Phát triển giáo dục THPT giai đoạn 2, nhiều học sinh của địa phương vùng khó khăn này phải đi 70-80km để tới trường. Hiện nay với 40 phòng học được xây mới, tình trạng này đã không còn. Hệ thống nhà vệ sinh ở nhiều trường học của tỉnh đã được nâng cấp hoặc xây mới.
Với chất lượng cơ sở vật chất trường lớp được nâng cao, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục được bồi dưỡng chuyên sâu, chất lượng giáo dục theo đó được tăng lên. Tỷ lệ tốt nghiệp của học sinh những vùng được đầu tư từ dự án tăng đáng kể ở tất cả các môn, so với thời gian trước khi triển khai dự án.
Từ những kết quả đạt, Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Ninh Thuận, đại diện ngân hàng ADB và nhiều đại biểu tham dự hội nghị bày tỏ mong muốn dự án Phát triển giáo dục THPT sẽ được tiếp tục triển khai ở các giai đoạn tiếp theo.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, các hoạt động của dự án Phát triển giáo dục THPT giai đoạn 2 đã phục vụ trực tiếp cho việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết trung ương 29, đổi mới chương trình – sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo yêu cầu của Nghị quyết Quốc hội số 88.
Dự án đã góp phần quan trọng trong việc tăng cường chất lượng giáo dục THPT, tiếp cận chuẩn chất lượng giáo dục THPT của các nước tiên tiến. Kết quả dự án cũng góp phần rút ngắn khoảng cách giáo dục vùng khó khăn với các vùng thuận lợi. Đặc biệt, với 82.795 cán bộ quản lý, giáo viên cấp THPT đã được bồi dưỡng chuyên môn về nâng cao năng lực lập thế hoạch và quản lý giáo dục, là nguồn “tài nguyên” đáng quý để tới đây triển khai chương trình GDPT mới.
Thứ trưởng yêu cầu những tập thể, cá nhân, cán bộ, giáo viên được thụ hưởng dự án, phải có trách nhiệm duy trì tốt nhất những kết quả đạt được; cố gắng triển khai thực hiện mục tiêu cao nhất của dự án là giúp ngành giáo dục thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông 2018, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tại hội nghị, 32 tập thể và 72 cá nhân có thành tích xuất sắc trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các hoạt động của dự án Phát triển giáo dục THPT giai đoạn 2 đã được trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GDĐT.