Có nhiều phương án bảo đảm việc dạy và học
Lượt xem:
Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức các hoạt động năm học mới 2021-2022. Ngành Giáo dục đã có nhiều giải pháp để khắc phục, phù hợp với tình hình thực tiễn. Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Văn Toàn về vấn đề này.
Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Toàn |
P.V: Thưa ông, ngành Giáo dục đã có sự chuẩn bị như thế nào cho năm học mới trong diễn biến dịch bệnh phức tạp như hiện nay?
Ông Nguyễn Văn Toàn: Năm học 2021-2022 phải nói rằng đầy khó khăn, tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng mọi mặt và trực tiếp đến các hoạt động của toàn ngành Giáo dục. Với tinh thần khắc phục khó khăn, ngành đã có sự chuẩn bị tích cực, nhất là tham mưu UBND tỉnh nhiều phương án linh hoạt, ứng biến với diễn biến dịch bệnh.
Điển hình, ngành thực hiện các gói thầu mua sắm sách vở cho học sinh dân tộc thiểu số và bàn ghế, thiết bị dạy học; đầu tư trên 300 tỷ đồng sửa chữa trường lớp, mua sắm trang thiết bị. Việc tổ chức khai giảng và tựu trường được xây dựng phương án và triển khai một cách cụ thể, chi tiết, tương ứng với các tình huống có thể xảy ra.
Trong đó, mầm non là bậc học đặc thù, nên không tổ chức cho trẻ đến trường và khai giảng như các cấp học phổ thông. Bậc phổ thông tiến hành khai giảng vừa trực tiếp vừa trực tuyến và trên nguyên tắc phải chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch như giãn cách, sát khuẩn, đeo khẩu trang…
Đặc biệt, riêng học sinh các trường dân tộc nội trú trong toàn tỉnh, trường chuyên, do di chuyển tới từ nhiều vùng nên được ưu tiên test nhanh và kịp thời phát hiện ra trường hợp học sinh mắc Covid-19.
P.V: Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp, nhất là đã xuất hiện trong trường học. Ngành Giáo dục sẽ triển khai các hoạt động dạy và học như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Toàn: Sau khi có kết quả học sinh mắc Covid-19, ngành Giáo dục đã phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế khoanh vùng, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cần thiết. Sở đã nhanh chóng ban hành văn bản yêu cầu tất cả các trường học tạm ngừng việc học tập tại trường sau ngày khai giảng để bảo đảm an toàn cho cán bộ, giáo viên, học sinh.
Thực tế từ trước đó, ngành đã dự tính và lên nhiều phương án triển khai dạy, học phù hợp với diễn biến dịch bệnh có thể xảy ra. Tinh thần là tổ chức các hoạt động dạy, học sao cho vừa bảo đảm an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên vừa thực hiện hiệu quả nhất chương trình năm học mới.
Hiện nay, toàn tỉnh đang thực hiện phương án thứ nhất là khi toàn tỉnh chưa kiểm soát được dịch bệnh, học sinh sẽ tạm nghỉ học, không đến trường. Với phương án này, các cơ sở giáo dục mầm non lựa chọn và hướng dẫn phụ huynh tổ chức những hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ em tại nhà. Đối với các cơ sở giáo dục tiểu học, giáo viên tăng cường hướng dẫn phụ huynh hỗ trợ con em học các môn cơ bản như Toán, Tiếng Việt tại nhà.
Cơ sở giáo dục THCS, THPT và giáo dục thường xuyên, giáo viên các bộ môn kích hoạt lại tài khoản dạy học trực tuyến, chuẩn bị các điều kiện cần thiết và tổ chức dạy học trực tuyến.
Sở đã tổ chức rà soát, thống kê khả năng tham gia dạy và học online tại các trường. Đối với những học sinh có thiết bị, có điều kiện học online, các trường tổ chức dạy những kiến thức cơ bản ở các bộ môn được ưu tiên lựa chọn phù hợp. Đối với những học sinh không thể tham gia học online, giáo viên áp dụng hình thức giao phiếu bài tập qua các kênh Gmail, Zalo, Messenger, hoặc in bài phát cho học sinh nếu có thể.
Khi có điều kiện học tập trung, các trường phân loại học sinh có mức tiếp cận được chương trình để xếp lớp phụ đạo, bổ sung kiến thức cho các em, không để em nào thiếu hụt kiến thức do không tiếp cận được các hình thức dạy học.
Qua rà soát, các trường THPT có tỷ lệ học sinh tham gia học online cao nhất, bình quân đạt 80% số học sinh/trường. Các bậc học còn lại tỷ lệ ít hơn.
PV: Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành Giáo dục tập trung nhiệm vụ trọng tâm nào của năm học mới?
Ông Nguyễn Văn Toàn: Năm học 2021-2022 là năm học rất đặc biệt từ trước tới nay, đặt ra cho toàn ngành nhiều vấn đề cần phải giải quyết nhưng điều quan trọng nhất vẫn phải tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa bảo đảm tốt nhất tiến độ chương trình học.
Cụ thể, toàn ngành đang nỗ lực khắc phục và có những giải pháp, biện pháp cụ thể để tổ chức dạy, học phù hợp nhất, không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau về kiến thức. Hiện nay, các bậc học đang triển khai, chuẩn bị cho việc dạy và học online.
Ngành Giáo dục đang tham mưu, phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế để tìm ra phương án phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả, làm sao học sinh có thể đến trường an toàn.
Cụ thể, ngành đang có phương án tổ chức test nhanh cho tất cả học sinh, nhất là ưu tiên cho bậc tiểu học và khi kiểm soát được dịch bệnh có thể cho học sinh đi học tại trường giãn cách.
Tuy nhiên, để thực hiện được phương án test nhanh cho tất cả học sinh rất cần xã hội hóa, sự đồng lòng, hỗ trợ của phụ huynh học sinh và các tổ chức chính trị xã hội cùng vào cuộc.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Báo Đắk Nông online