Chủ động chuẩn bị cho năm học mới
Lượt xem:
Ngành giáo dục các cấp đã và đang tích cực, chủ động chuẩn bị các điều kiện như bổ sung cơ sở vật chất, kiện toàn đội ngũ giáo viên… để sẵn sàng bước vào năm học mới với khí thế vui tươi và đạt thành tích cao.
Chuẩn bị cơ sở vật chất
Theo Sở GD-ĐT Đắk Nông, từ những ngày đầu tháng 8/2022, công tác chuẩn bị năm học 2022-2023 được UBND tỉnh và Sở chỉ đạo đến Ban giám hiệu các trường trên toàn tỉnh. Trên cơ sở đó, các trường tổ chức triển khai cho đội ngũ giáo viên, dọn vệ sinh, kiểm tra hiện trạng, số lượng bàn ghế, trang thiết bị dạy học tại các lớp, kịp thời lên kế hoạch sửa chữa, mua sắm bổ sung cho năm học mới.
Học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào thiểu số gặp khó khăn nhiều hơn do nguồn kinh phí huy động xã hội hóa giáo dục hạn chế. Các thầy, cô giáo phải tận dụng vật liệu tái chế, làm đồ dùng, đồ chơi, trang trí bồn hoa, cây cảnh trong khuôn viên nhà trường tạo cảnh quan môi trường lành mạnh, thân thiện.
Cô Nguyễn Thị Bình, Phó Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Quảng Hòa (Đắk Glong) cho biết: “Năm học này, nhà trường đón nhận 475 em học sinh của các lớp mầm, chồi, lá. Vì Quảng Hòa là xã thuộc diện khó khăn nhất của tỉnh, đa phần các hộ gia đình đều có hoàn cảnh kinh tế eo hẹp. Bước vào năm học mới, với nguồn kêu gọi từ các nhà hảo tâm, các tổ chức đoàn thể, chúng tôi đã cải tạo được một dãy phòng học sơn sửa mới nhằm đem lại không khí phấn khởi cho các em ngay từ những ngày đầu năm học”.
Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra tình hình chuẩn bị năm học mới tại các trường trên địa bàn tỉnh |
Triển khai chương trình GDPT mới
Năm học 2022-2023, là năm đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với các khối lớp 3, 7 và 10, đội ngũ cán bộ, giáo viên được tập huấn chuyên môn, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ năm học.
Đối với trang thiết bị dạy học tối thiểu cho các khối lớp 1, 2 và lớp 6 áp dụng trong những năm học trước đáp ứng từ 20-30% so với qui định của chương trình. Còn đối với các khối lớp 3, 7, 10, có một số thay đổi về môn học bắt buộc. Máy móc, thiết bị dạy môn tin học tại các trường tiểu học và THCS bị xuống cấp, hư hỏng cần phải đầu tư mới có thể đáp ứng theo chương trình mới.
Trên cơ sở điều kiện hiện có, đặc điểm tình hình, đến nay, các địa phương đã chủ động, kiểm tra, rà soát, đầu tư nâng cấp, sửa chữa các thiết bị, hạ tầng và đã sẵn sàng bước vào năm học mới.
Đơn cử, với đặc thù địa bàn khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất các trường hạn chế, tỷ lệ học sinh hàng năm tăng, để triển khai chương trình GDPT 2018 theo lộ trình, UBND 2 huyện Tuy Đức và Đắk Glong đã tập trung các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho các trường. Trong đó, UBND huyện Đắk Glong đã đầu tư hơn 85 tỉ đồng để xây mới 60 phòng học, nâng cấp 30 phòng học, sửa chữa hàng rào, sân trường, nhà xe, nhà vệ sinh… Với tổng số hơn 600 phòng học kiên cố và bán kiên cố, 2 huyện cơ bản đáp ứng giảng dạy gần 20.000 học sinh.
ĐVTN hỗ trợ Trường Mẫu giáo Quảng Hoà (Đắk Glong) sơn sửa một số phòng học đã xuống cấp hư hỏng nặng |
Nâng cao chất lượng dạy và học
Để bảo đảm chất lượng dạy và học trong năm học mới, ngành GD&ĐT các huyện, thành phố cũng đã thực hiện tốt khâu sắp xếp, ổn định đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tại các trường.
Các địa phương đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy; tăng cường đầu tư thiết bị giáo dục; quy hoạch, phát triển mạng lưới trường, lớp phù hợp với từng địa phương; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Cùng với đó, công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đã được ngành GD&ĐT triển khai theo đúng kế hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ nhà giáo trước năm học mới.
Ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trở lại. Để bảo đảm an toàn cho học sinh khi bước vào năm học mới, công tác phòng, chống dịch đang được các ngành chức năng, địa phương chú trọng. Nhất là tuyên truyền, vận động phụ huynh đưa con em đi tiêm chủng các mũi vắc xin phòng Covid-19 trước thềm năm học mới, để các em được học tập trong môi trường an toàn nhất có thể”.
Cũng theo ông Hải, năm học 2022-2023, toàn tỉnh Đắk Nông có 368 cơ sở giáo dục. Trong đó, giáo dục mầm non 126 trường; cấp tiểu học 121 trường; cấp THCS 79 trường; cấp THPT 32 trường; 10 cơ sở giáo dục trực thuộc, với hơn 175 ngàn học sinh. Bước sang năm thứ 3 áp dụng chương trình GDPT 2018, ngành Giáo dục đang chủ động chuẩn bị, khắc phục khó khăn, linh hoạt các giải pháp hoàn thành tốt nhất mục tiêu chương trình.
Bộ GD-ÐT vừa ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2022-2023 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Theo đó, lễ khai giảng năm học mới sẽ tổ chức vào ngày 5/9, học sinh các cấp tựu trường sớm nhất trước đó 1 tuần (29/8). Riêng đối với học sinh lớp 1, Bộ GD-ÐT cho phép tựu trường sớm nhất là trước 2 tuần so với ngày tổ chức khai giảng. http://baodaknong.org.vn/ |