Chọn sách giáo khoa phù hợp nhu cầu và điều kiện tổ chức dạy học của tỉnh

Lượt xem:

Đọc bài viết

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được áp dụng đối với lớp 1 vào năm học 2021-2022. Ðến thời điểm này, ngành Giáo dục đang trong giai đoạn chọn lựa sách giáo khoa phù hợp. Ðây cũng là một trong những vấn đề được dư luận, phụ huynh học sinh trên địa bàn tỉnh quan tâm. Phóng viên Báo Ðắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở Giáo dục-Ðào tạo (GDÐT) xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa ông, tiến độ chọn sách giáo khoa đến nay đã thực hiện như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Toàn: Hiện nay, Bộ GDÐT đã chọn được 32 cuốn sách làm cơ sở cho các địa phương chọn bộ sách phù hợp để áp dụng giảng dạy phù hợp; trong đó có 24 cuốn của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Bộ cũng đang trong giai đoạn xây dựng thông tư để hướng dẫn thực hiện chọn sách giáo khoa theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học. Trong chờ thông tư hướng dẫn, Bộ yêu cầu căn cứ vào điều kiện của địa phương, UBND tỉnh, thành phố xây dựng các tiêu chí để lựa chọn được sách giáo khoa phù hợp nhu cầu và điều kiện tổ chức dạy học. Theo kế hoạch, trước tháng 3/2020, tỉnh phải thành lập Hội đồng và công bố kết quả lựa chọn sách giáo khoa trong danh mục sách giáo khoa được Bộ GDÐT đã lựa chọn. Từ tháng 3 đến tháng 5, Sở GDÐT cùng Nhà xuất bản sẽ tổ chức tập huấn, sử dụng sách giáo khoa cho giáo viên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1. Từ tháng 3 đến tháng 8, các nhà trường tập huấn, các nhà xuất bản tổ chức in ấn và xuất bản. Hiện nay, ngành đã và đang triển khai các công đoạn theo lịch trình Bộ GDÐT đề ra về công tác chuẩn bị cho việc áp dụng sách giáo khoa phổ thông, bắt đầu từ lớp 1. Theo đó, Sở đã và đang tổ chức các buổi tập huấn cho cán bộ quản lý, cán bộ cốt cán, giáo viên các bộ môn để tiệm cận chương trình.

Ông Nguyễn Văn Toàn

PV: Trên cơ sở những bộ sách đã được Bộ GDÐT chọn, tỉnh ta sẽ dựa vào điều kiện nào để chọn bộ sách phù hợp?

Ông Nguyễn Văn Toàn: Vấn đề hiện nay được dư luận và phụ huynh quan tâm là việc chọn sách giáo khoa. Tinh thần Bộ đưa ra là một chương trình có thể chọn nhiều cuốn sách khác nhau. Tất cả các sách dù trình bày khác nhau nhưng đều hướng về một mục đích cuối cùng là phản ánh cốt lõi nội dung chương trình theo yêu cầu. Sách chỉ là phương thức để tiếp cận những kiến thức cần thiết nhất cho học sinh theo yêu cầu chung. Vì vậy, dù học sách khác nhau giữa các địa phương cũng không ảnh hưởng, gián đoạn đến kiến thức của học sinh nếu chuyển trường. Ðây là một hướng mở đối với người học, vấn đề là mỗi tỉnh sẽ chọn những cuốn phù hợp nhất với thực tế địa phương.

Ðối với tỉnh Ðắk Nông, để thuận lợi nhất, Sở cũng có một số định hướng, đề xuất UBND tỉnh các giải pháp để chọn được sách giáo khoa phù hợp với yêu cầu và điều kiện tổ chức dạy học của tỉnh. Hơn nữa việc chọn sách được giao cho các trường tự chủ nhưng nếu có một định hướng phù hợp sẽ phát huy hiệu quả trong quá trình triển khai công tác dạy và học ở các huyện, khu vực trong tỉnh. Trong khi chờ Bộ phê duyệt bộ sách mới và ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể, Sở cũng sẽ có một số định hướng chung. Ðiển hình như có thể khoanh vùng, thử nghiệm các trường trong cùng khu vực sử dụng chung một bộ sách giáo khoa phù hợp nhất. Ðịnh hướng này không phải tạo áp lực hay không phát huy quyền tự chủ vì việc lựa chọn sẽ dựa trên điều kiện thực tế tại các khu vực hay vùng đó. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ nghiên cứu và quyết định phương án phù hợp nhất. Sở cũng có thể qua nhiều kênh thông tin để thăm dò ý kiến, nguyện vọng của học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý các trường từ đó có những định hướng phù hợp nhất. Việc chọn sách giáo khoa có thể dựa trên một số yếu tố như có tính kế thừa, nghĩa là học sinh cùng trường năm sau có thể tận dụng lại sách của học sinh năm trước, đồng thời học sinh trong tỉnh khi chuyển trường cũng không bị xáo trộn nhiều.

PV: Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với tỉnh Ðắk Nông có gì khó khăn và ngành Giáo dục đã có phương án khắc phục như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Toàn: Nhiều người lo ngại việc áp dụng chương trình sách giáo khoa mới sẽ khó khăn. Tuy nhiên, nội dung cũng không có gì quá đổi mới. Các bộ sách mới đều gần giống nhau. Vướng mắc hiện nay là giá sách giáo khoa có thể khác nhau nhưng khi Bộ có thông tư hướng dẫn cụ thể sẽ tạo sự thống nhất chung. Ngành Giáo dục cũng đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn theo sát, hỗ trợ kịp thời các trường trong quá trình nghiên cứu, triển khai. Khó khăn lớn nhất hiện nay là trang thiết bị vì kinh phí hạn chế. Tuy nhiên, đối với lớp 1 thì chưa sử dụng nhiều trang thiết bị như các cấp học khác nên năm đầu triển khai có thể khắc phục được. Mặc dù chương trình là hướng mở, không bắt buộc nhưng để bảo đảm thì yêu cầu phải học 2 buổi/ngày. Ðiều này dẫn đến khó khăn về cơ sở vật chất. Trước mắt, ngành chỉ đạo các trường ưu tiên bố trí cơ sở vật chất tối thiểu, bảo đảm cho tất cả lớp 1 khi áp dụng chương trình mới để học 2 buổi/ngày. Riêng đối với tỉnh ta có chế độ đặc thù về hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Nếu việc chọn sách giáo khoa khác nhau giữa các trường, các huyện thì việc cấp phát sách cũng sẽ có những khó khăn nhất định. Vấn đề này Sở cũng đang nghiên cứu để tham mưu UBND có hình thức phù hợp nhất.

Ðể việc triển khai áp dụng chương trình giáo dục mới hiệu quả, ngành Giáo dục đang tích cực chuẩn bị về mọi mặt. Việc chọn sách giáo khoa được giao cho các trường tự chủ nhưng phải trong khuôn khổ tính địa phương. Ngay sau khi có Thông tư hướng dẫn của Bộ, Sở sẽ tổ chức hội nghị để có thêm những kênh phản hồi về việc chọn áp dụng sách giáo khoa phù hợp nhất.

PV: Xin cảm ơn ông!     

Nguồn: http://baodaknong.org.vn/