Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban Dân tộc ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2018-2021
Lượt xem:
Chiều ngày 5/1, Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến chủ trì buổi lễ ký kết chương trình phối hợp. Cùng dự có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa và Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ.
Theo nội dung Chương trình phối hợp, Bộ GD&ĐT và Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp chỉ đạo thực hiện, rà soát, đánh giá, đề xuất chính sách dân tộc. Cụ thể sẽ chỉ đạo thực hiện các văn bản về công tác dân tộc; công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ vùng dân tộc thiểu số, miền núi (DTTS, MN). Đặc biệt là đối với các địa phương có tỷ lệ biết chữ độ tuổi 15 – 60 và tỷ lệ huy động người học xóa mù chữ còn thấp và những dân tộc thiểu số còn nhiều người mù chữ; triển khai dạy học tiếng dân tộc thiểu số đáp ứng nhu cầu học tiếng dân tộc của đồng bào; thực hiện công tác cử tuyển.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, phát triển giáo dục vùng dân tộc cần có giải pháp gốc rễ. Hiện nay, các vùng dân tộc vẫn còn nhiều khó khăn như: Nguồn lực về giáo viên; cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính.
Ngoài ra, hai bên sẽ cùng chỉ đạo các địa phương quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cho đội ngũ cán bộ vùng DTTS, MN, đặc biệt là đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục người dân tộc thiểu số; tổ chức bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức.
Rà soát, đánh giá cơ chế, chính sách, nguồn lực phát triển giáo dục đào tạo vùng DTTS, MN từ đó đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các cơ chế, chính sách phù hợp.
Trong đó, chú trọng nghiên cứu, đề xuất chế độ cử tuyển, tuyển thẳng, ưu tiên trong tuyển sinh đối với người dân tộc thiểu số phù hợp với tình hình mới; chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học đối với học viên là người dân tộc thiểu số thuộc nhóm dân tộc có chất lượng nguồn nhân lực thấp; chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút nhân tài, giải quyết việc làm tại địa phương cho sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi là người dân tộc thiểu số; chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các dân tộc thiểu số; chính sách khuyến khích, hỗ trợ phù hợp đối với người học là người dân tộc thiểu số ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng DTTS, MN, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo học trong các trung tâm giáo dục thường xuyên, người dân tộc thiểu số ở các địa bàn khó khăn học xóa mù chữ; chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục là người dân tộc thiểu số và các chính sách liên quan khác, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra các địa phương và các cơ sở giáo dục trong việc thực hiện chính sách dân tộc.
Cùng với đó là đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS, MN. Chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế – xã hội, về đổi mới giáo dục đào tạo vùng DTTS, MN.
Thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin về các vấn đề liên quan đến chính sách dân tộc, kết quả thực hiện chính sách dân tộc; xây dựng, cập nhật hệ thống dữ liệu cụ thể đến từng dân tộc thiểu số, làm cơ sở để tham mưu xây dựng chính sách hỗ trợ đối với các dân tộc thiểu số.
Tăng cường công tác tuyên truyền về công tác dân tộc trong các ấn phẩm thông tin trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo và Cổng Thông tin điện tử Ủy ban Dân tộc; cấp phát báo, tạp chí miễn phí cho trường học vùng DTTS, MN.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến thực hiện nghi lễ kí kết chương trình phối hợp giai đoạn 2018-2021.
Tổ chức lễ tuyên dương học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu xuất sắc; tuyên dương người có uy tín, nhân sĩ trí thức và doanh nhân tiêu biểu là người dân tộc thiểu số; gặp mặt cán bộ quản lý, giáo viên tiêu biểu là người dân tộc thiểu số.
Phát biểu tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, phát triển giáo dục vùng dân tộc cần có giải pháp gốc rễ. Hiện nay, các vùng dân tộc vẫn còn nhiều khó khăn như: Nguồn lực về giáo viên; cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính.
Chính vì vậy, rất có những giải pháp căn cơ và bền vững. Một trong những giải pháp đó là phát triển nguồn nhân lực cho đồng bào, trong đó có đội ngũ giáo viên tại chỗ. Bên cạnh đó, cần rà soát lại các chính sách đối với giáo dục vùng dân tộc, trong đó có chính sách đối với học sinh, sinh viên và giáo viên, đơn cử như: Chính sách hỗ trợ học bổng, cử tuyển; chính sách đối với học sinh mầm non và chính sách về trường dân tộc nội trú.
Thực hiện được các chính sách trên sẽ tạo điều kiện cho các trường đại học có cơ sở để phát triển đội ngũ cán bộ cho các sở, ngành của địa phương. Qua đó, thể hiện sự công bằng giáo dục.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị, năm 2018 hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ và chọn việc để làm nhằm đạt hiệu quả cao và thiết thực.