Bộ GDĐT xúc tiến hợp tác giáo dục tại Bắc Âu
Lượt xem:
VTV.vn – Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT vừa có chuyến làm việc tại Bắc Âu, nhằm xúc tiến việc hợp tác giữa giáo dục Việt Nam với các nền giáo dục tiên tiến hàng đầu thế giới.
Thúc đẩy phát triển giáo dục theo hướng tăng cường tìm kiếm cơ hội hợp tác, học hỏi các mô hình tiên tiến trên thế giới để vận dụng phù hợp với tình hình thực tiễn ở Việt Nam. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành giáo dục sẽ tập trung triển khai trong năm học này.
Ngay trước thềm năm học mới, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT, do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dẫn đầu, vừa có chuyến làm việc tại Bắc Âu, nhằm xúc tiến việc hợp tác giữa giáo dục Việt Nam với các nền giáo dục tiên tiến hàng đầu thế giới.
Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT có sự tham gia của nhiều trường từ tiểu học đến trung học phổ thông, đại học và các doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục, đến làm việc tại 3 nước: Phần Lan, Đan Mạch và Thụy Điển. Đây đều là những nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới. Đặc biệt, Phần Lan vừa hoàn tất quá trình đổi mới giáo dục phổ thông kéo dài trong 50 năm, nên có thể chia sẻ với Việt Nam những kinh nghiệm, bước đi cụ thể, thực tế và hiệu quả của mình. Chuyến công tác xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và nội tại của các trường, nên đã đưa ra được những đề xuất, ý tưởng, chương trình hợp tác khá cụ thể.
Hơn 40 biên bản ghi nhớ giữa các trường đại học, trung học và các doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục của Việt Nam với các đối tác Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển đã được ký kết, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: chuyển giao tài liệu về chương trình và sách giáo khoa, chuyển giao công nghệ đào tạo trực tuyến; liên kết đào tạo đại học, phối hợp đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, đẩy mạnh áp dụng phương pháp giáo dục STEM và Lego Education ở Việt Nam…
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu ngay sau đây các trường cần đôn đốc triển khai các nội dung đã ký kết để hiện thực hóa những biên bản ghi nhớ này.
Chuyến đi giúp các nhà quản lý giáo dục các cấp của Việt Nam có thêm thông tin về mô hình, phương pháp giáo dục hiện đại của các nước Bắc Âu; đồng thời mở ra những cơ hội để tiếp tục công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông ở Việt Nam hiện đang được cho là vô cùng cần thiết và có những bước đi đúng hướng.