Bộ GDĐT, Bộ Y tế giải trình về vấn đề dạy học trong bối cảnh Covid-19
Lượt xem:
Tiếp nối phiên giải trình buổi sáng do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức, chiều 25/2, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn, các Thứ trưởng Bộ GDĐT: Nguyễn Hữu Độ, Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên và đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông đã báo cáo, giải trình về vấn đề dạy học trong bối cảnh Covid-19.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh chủ trì phiên giải trình.
Nỗ lực đảm bảo an toàn trường học, thực hiện kế hoạch năm học
Báo cáo về tình hình triển khai dạy học trong bối cảnh Covid-19, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ GDĐT đã chủ động, kịp thời chỉ đạo toàn ngành chuyển trạng thái hoạt động, ứng phó với dịch Covid-19 nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, bảo đảm an toàn trường học, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu mở đầu phiên giải trình
Bộ GDĐT đã ban hành nhiều văn bản và triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng để chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, cơ sở giáo dục hướng đến mục tiêu củng cố, duy trì chất lượng giáo dục. Căn cứ các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GDĐT, các địa phương đã chủ động, linh hoạt xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch năm học để ứng phó với diễn biến khó lường của dịch Covid-19 tại địa phương, đảm bảo yêu cầu đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông; tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát, kết hợp dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Về việc mở cửa trường học, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GDĐT đã có văn bản chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể tổ chức dạy học trực tiếp trong điều kiện tình hình mới. Từ ngày 5/9/2021 đến tháng 2/2022, cơ bản các địa phương kiểm soát được dịch sẽ tổ chức dạy học trực tiếp.
Do tình hình dịch diễn biến phức tạp nên đến ngày 20/02/2022 một số tỉnh/thành phố đã quyết định lùi thời gian tổ chức học trực tiếp, cụ thể: Tính đến này 21/2, cả nước có 50/63 tỉnh/thành phố tổ chức học trực tiếp cho trẻ mầm non; con số này với tiểu học là 51/63 tỉnh/thành phố, với trung học cơ sở là 59/63 tỉnh/thành, trung học phổ thông là 62/63 tỉnh/thành phố tổ chức học trực tiếp.
Để đảm bảo cho việc mở cửa trường học an toàn, Bộ GDĐT đề nghị Bộ Y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; công bố thuốc và hướng dẫn dùng thuốc phòng, chống Covid-19 cho trẻ em. Đẩy mạnh việc tập huấn, hướng dẫn các địa phương trong việc điều trị, thuốc chữa bệnh cho trẻ em bị F0 nhằm tạo sự an tâm cho phụ huynh, đồng thuận trong dư luận xã hội.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ báo cáo tại phiên giải trình
UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở GDĐT, Sở Y tế, các ban, ngành liên quan tăng cường tổ chức tuyên truyền, tập huấn, diễn tập cho cán bộ quản lý, nhân viên, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh về việc xử trí F0, F1 trong trường học và các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, tạo sự đồng thuận cho trẻ em mầm non, học sinh đến trường, đảm bảo an toàn.
Đồng thời, tăng cường điều kiện đảm bảo thực hiện tốt công tác y tế trường học, tăng cường nhân lực, bố trí người trực, cơ sở vật chất phòng chống dịch cho các cơ sở giáo dục; xây dựng giải pháp cho công tác y tế trường học, chăm sóc sức khỏe của trẻ em, học sinh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Chuẩn bị các điều kiện đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất phục vụ cho năm học 2022-2023.
Đưa học sinh quay trở lại trường học là tất yếu, không thể khác
Ở thời điểm số ca nhiễm Covid-19 đang tăng mạnh từ sau tết nguyên đán, trong đó có trẻ em, mối quan tâm nhất lúc này của đại biểu Quốc hội và cử tri là việc mở cửa trường học nên tính toán, triển khai sao cho phù hợp, đảm bảo an toàn.
Ngay trong phát biểu mở đầu phiên giải trình, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đã đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ chủ trương thực hiện mở cửa trường học, những khó khăn đặt ra và giải pháp để đảm bảo an toàn cho người học, người dạy, nhất là học sinh dưới 12 tuổi vì các em là đối tượng chưa được tiêm vắc xin.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trao đổi tại phiên giải trình
Từ góc độ của ngành Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã cung cấp những số liệu về tỷ lệ trẻ em từ 12-17 tuổi được tiêm vắc xin, theo đó, tỷ lệ này ở mũi tiêm thứ 2 đã đạt trên 94%. Với lứa tuổi 5-11 tuổi, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã hoàn tất ký hợp đồng mua gần 22 triệu liều vắc xin để tiêm cho lứa tuổi này, dự kiến số vắc xin trên được cấp chậm nhất vào 30/4 để tiêm bao phủ cho trẻ em.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đưa ra một số con số liên quan đến tỷ lệ nhiễm bệnh, tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở trẻ em ở mức thấp, cũng như cung cấp thông tin về việc các loại thuốc điều trị đã được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Điều này để khẳng định cho việc có thể mở cửa trường học nếu các hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ GDĐT được các nhà trường, địa phương tuân thủ thực hiện triệt để.
Trao đổi về những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến mở cửa trường học, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận: Đây là thời điểm ngành Giáo dục đứng trước thách thức chưa từng có, khó khăn phát sinh rất lớn, dịch bệnh ngày càng phức tạp. Đồng thời khẳng định, phía ngành Giáo dục đã chỉ đạo rất quyết liệt, nhất quán, toàn diện, bám sát thực tế và phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế để triển khai việc mở cửa trường học.
Bộ trưởng cho biết, sau khi chỉ đạo toàn ngành mở cửa trường học, lãnh đạo Bộ GDĐT đã đi kiểm tra tình hình triển khai tại các địa phương. Qua những chuyến kiểm tra này có thể thấy, được đi học trở lại là mong muốn rất lớn của học sinh, giáo viên, các cấp quản lý. Các địa phương cũng rất quan tâm xây dựng kịch bản, lộ trình, tổ chức diễn tập, chuẩn bị các điều kiện với quyết tâm đưa học sinh trở lại trường học tập.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên giải trình
Bên cạnh thuận lợi, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng chỉ ra một số khó khăn khi học sinh quay trở lại học trực tiếp, đó là việc nhiều trường phải dạy online – offline hỗn hợp dẫn tới căng thẳng, vất vả cho giáo viên; trường học cho học sinh trở lại nhưng chưa tổ chức bán trú dẫn tới khó khăn trong chăm sóc, đưa đón của phụ huynh; những lúng túng trong khoanh vùng xử lý ca F0, F1 trong trường học; thời gian cách ly, phương án chăm sóc cho các trường hợp nhiễm, việc test sàng lọc… Tuy nhiên, Bộ trưởng thông tin, những khó khăn này đã phần nào được giải quyết khi mới đây, Bộ GDĐT đã phối hợp với Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chi tiết xử lý những vấn đề nêu trên.
Về định hướng tiếp theo, Bộ trưởng cho biết: Ngành Giáo dục tiếp tục nhất quán chỉ đạo đưa học sinh quay trở lại trường học, dẫu đang có nhiều băn khoăn nhưng đó là xu thế chung và cần xác định về tư tưởng, đưa học sinh quay trở lại trường học là tất yếu, không thể khác. Trên thực tế, mặc dù dịch bệnh phức tạp, một số nơi phải quay lại học trực tuyến nhưng ở nhiều địa phương, lộ trình đưa học sinh đi học trực tiếp vẫn đang được tiếp tục.
“Một số địa phương đưa ra khẩu hiệu, chỉ có một học sinh đến lớp vẫn mở cửa lớp, có ý kiến cho rằng điều này là không hiệu quả. Nhưng tôi lại nghĩ rằng có hiệu quả, đó là sự khẳng định cho một thái độ. Có một vài em số ít gia đình không thể trông nên đưa đến lớp, việc này sẽ cổ vũ cho các cháu khác và những người khác”, phân tích điều này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng thời nhấn mạnh: Khó có thể có một phương án toàn diện đáp ứng mọi điều kiện, trong khó khăn cần chọn phương án khả dĩ hơn cả. Phương án hiện nay đang là linh hoạt với tình hình địa phương nhưng việc đưa học sinh trở lại trường học là kiên định, nhất quán.
Tại phiên giải trình, một số đại biểu Quốc hội cũng dành sự quan tâm cho tiến độ triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh và đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông đã có những giải trình cụ thể. Theo đó, chương trình vẫn đang được thực hiện theo đúng tiến độ, đảm bảo đến đúng đối tượng và đạt hiệu quả về một chương trình hỗ trợ đầy ý nghĩa dành cho đối tượng học sinh khó khăn. |