Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo

Lượt xem:

Đọc bài viết

Ngày 11/7, Ban chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo dẫn đầu đã có buổi làm việc và kiểm tra thưc tế công tác CCHC tại Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đồng chủ trì buổi làm việc.

 Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, công tác cải cách hành chính đã được các đơn vị của Bộ thực hiện quyết liệt, việc công bố, công khai các thủ tục hành chính (TTHC) mới ban hành, các TTHC sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế được thực hiện nghiêm túc, được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và cơ sơ dữ liệu quốc gia về TTHC.
a1

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, kết quả buổi làm việc sẽ giúp cho công tác CCHC của Bộ GD&ĐT đi đúng hướng

Cũng trong năm 2016, Bộ GD&ĐT đã công bố bộ TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý bao gồm 185 TTHC. Thực hiện Đề án 896 về đơn giản hóa TTHC, năm 2016, đã có 31 TTHC lĩnh vực giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi của Đề án đã được đơn giản hóa, tiết kiệm được gần 70 tỷ đồng.

Thời gian qua, Bộ GD&ĐT cũng tích cực thực hiện cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước thông qua việc rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Đồng thời thực hiện phân cấp quản lý giáo dục theo hướng  xác định rõ trách nhiệm của các cơ quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo và trách nhiệm quản lý của ngành, lãnh thổ của các bộ, ngành, địa phương; phân định công tác quản lý nhà nước với quản trị cơ sở giáo dục đào tạo; đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính chủ động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Cùng với đó là quá trình xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức viên chức thông qua việc đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, rà soát, sắp xếp lại các vị trí việc làm và thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định 108 của Chính phủ. Cụ thể, năm 2016, đã thực hiện tinh giản biên chế 48 trường hợp, 6 tháng đầu năm 2017 tinh giản 10 trường hợp.

Ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động chuyên môn cũng là một trong những việc được Bộ GD&ĐT triển khai tích cực trong thời gian qua. Đặc biệt, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy – học, nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, quan điểm của Bộ không phải là xếp hạng CCHC cao hay thấp mà Bộ GD&ĐT coi đây như công tác kiểm định chất lượng, thông qua đó thấy được những điểm còn hạn chế cần khắc phục để tiếp tục có những cải thiện phục vụ tốt nhất cho các địa phương, các cơ sở giáo dục và người dân.

Bộ trưởng cũng khẳng định, sau buổi làm việc này, những góp ý của Ban chỉ đạo sẽ được Bộ GD&ĐT tập trung thực hiện để công tác CCHC của Bộ trong thời gian tới có những bước đi đúng hướng, kiên quyết khắc phục những hạn chế theo tinh thần cải cách của Chính phủ để phục vụ đắc lực công tác quản lý nhà nước của ngành.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ đánh giá cao kết quả công tác CCHC của Bộ GD&ĐT trong thời gian qua, đồng thời đề nghị Bộ chỉ đạo cơ quan thường trực CCHC tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm về chỉ số xếp hạng để cải thiện hoạt động CCHC, nâng điểm số CCHC của Bộ.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng cần tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nghiên cứu công tác quản lý từ phí và giá để đảm bảo các đơn vị sự nghiệp công lập có thể hạch toán được đầu vào nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công. Từng bước xóa bỏ bao cấp trong đơn vị sự nghiệp, tiến tới cấp phát kinh phí theo đơn đặt hàng của nhà nước.

Trong việc xây dựng cơ chế chính sách, Bộ trưởng Bộ Nội vụ lưu ý cần có sự bình đẳng giữa các đơn vị công và tư để có chất lượng dịch vụ công, tư cao ngang bằng nhau.

Trung tâm Truyền thông giáo dục