Giáo dục Việt Nam, thách thức và kỳ vọng

Lượt xem:

Đọc bài viết

TP – Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành giáo dục Việt Nam đã có những chuyển biến như thế nào? TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trò chuyện với Tiền Phong về những vấn đề cần giải quyết, cùng những thách thức và kỳ vọng của ngành giáo dục Việt Nam.

Học sinh tiểu học trường Ngô Quyền, Hà Nội trong ngày khai giảng. Ảnh: hồng vĩnh
Học sinh tiểu học trường Ngô Quyền, Hà Nội trong ngày khai giảng. Ảnh: hồng vĩnh
TS Phạm Đỗ Nhật Tiến nói:  Theo tôi, đổi mới tư duy quản lý giáo dục có nhiều nội dung những nội dung quan trọng nhất là chuyển từ tư duy quản lý bằng mệnh lệnh hành chính sang tư duy quản lý bằng pháp luật. Đây là một tiến trình nói thì dễ, làm thì khó. Tiến trình này đã diễn ra suốt 30 năm đổi mới giáo dục, nhưng đến nay, chúng ta vẫn ở giao thời giữa quản lý bằng mệnh lệnh hành chính và quản lý theo pháp luật.

Không thể phủ nhận, ngành giáo dục cũng còn những hạn chế cần khắc phục. Vậy, điểm yếu nhất hiện nay cần phải giải quyết để đưa chất lượng giáo dục đi lên là gì?

Bất kỳ ở đâu và lúc nào ngành giáo dục cũng còn những hạn chế cần khắc phục. Có nền giáo dục nào dám nói rằng đã đáp ứng tốt nhu cầu của người dân và yêu cầu của xã hội đâu. Giáo dục nước ta cũng vậy. Có lẽ vì thế mà làm Bộ trưởng Giáo dục ở Việt Nam là một công việc không dễ dàng.

Chỉ có điều trong những hạn chế, bất cập của giáo dục nước ta, có những cái tồn tại rất dai dẳng, chuyển biến chậm. Nổi bật là chất lượng không đến nơi đến chốn trong đào tạo nhân lực nước ta. Điểm yếu này đã được báo cáo cạnh tranh toàn cầu cảnh báo từ chục năm nay, các nhà quản lý đã nhận thức được, những chuyển biến diễn ra còn chậm.

“Tôi cho rằng thách thức lớn nhất mà quản lý nhà nước về giáo dục ở nước ta phải đối mặt, đó chính là sự mất niềm tin… Vì vậy kỳ vọng của tôi, đó là trong tương lai gần chúng ta có được một nền giáo dục đem lại sự hài lòng và niềm tin trong nhân dân”.TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT

Như trên tôi đã nói, ngành giáo dục hiện đã có nhiều cố gắng trong việc tập trung giải quyết vấn đề này. Nó kéo theo việc nhận dạng rất nhiều điểm yếu khác như các nút thắt về thể chế, các điểm nghẽn trong quản trị nhà trường, các bất cập trong cơ chế tài chính, niềm tin v.v…Nói cách khác, có thể gọi điểm yếu trong giáo dục nước ta là lỗi hệ thống. Vì vậy, đây là một bài toán cần có sự tiếp cận tổng thể và dài hơi.
Có rất nhiều vấn đề của giáo dục được dư luận quan tâm trong thời gian vừa qua như chương trình sách giáo khoa mới, đào tạo sư phạm, vấn đề công nhận tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư. Dường như, ở khía cạnh nào, ngành giáo dục cũng đang có những vướng mắc khiến dư luận băn khoăn. Ông nghĩ sao?
Năm năm qua là năm năm đầu tiên ngành giáo dục triển khai thực hiện NQ29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Có thể nói khối lượng công việc khá đồ sộ liên quan đến mọi cấp học và trình độ đào tạo, mọi lĩnh vực, mọi bộ phận của hệ thống giáo dục. Dĩ nhiên, khi có quá nhiều việc phải làm thì vấn đề đặt ra là phải có sự lựa chọn ưu tiên.
Theo tôi, thời gian qua, nổi bật trong những lựa chọn ưu tiên của ngành giáo dục là hoàn thiện thể chế, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, xây dựng đội ngũ nhà giáo, tập trung vào việc nâng cao chất lượng và hiệu quả trong đào tạo nhân lực trình độ cao, từ đào tạo sư phạm, đào tạo tiến sĩ đến công nhận các chức danh GS, PGS.
Tất cả đang trong quá trình thực hiện, và theo lệ thường trong lĩnh vực giáo dục, sự khởi sắc chỉ có thể thấy được sau vài năm nữa, nhanh thì 5 năm, chậm thì 10 năm. Vì vậy, tôi sẽ không nói về sự khởi sắc. Tôi chỉ muốn nói về những cố gắng nổi bật của ngành giáo dục cần được đánh giá một cách công bằng trong các lựa chọn ưu tiên nói trên.
Đó là gì, thưa ông?
Trước hết về hoàn thiện thể chế. Nhiệm vụ đặt ra là sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học. Tôi có may mắn được tham gia một số cuộc hội thảo có liên quan đến công việc này, thấy cách làm tương đối bài bản, khoa học.
Về xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới, cần thấy đây là một công việc rất khó khăn. Bởi nó đụng tới việc phá bỏ các thói quen trong tư duy về một chương trình theo tiếp cận nội dung, chuyển sang nhận thức mới về một chương trình theo tiếp cận năng lực. Vì thế 5 năm qua là 5 năm học hỏi, thảo luận, tranh cãi, phản biện, để dần đi tới đồng thuận.
Tôi đánh giá cao quyết tâm của ngành giáo dục trong việc tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả trong đào tạo nhân lực trình độ cao, trước mắt là việc siết chặt chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm, rà soát điều kiện đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, hoàn thiện các tiêu chuẩn chức danh GS và PGS theo hướng phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. Đặc biệt đáng quan tâm là việc đẩy mạnh tiến trình kiểm định và công nhận chất lượng các cơ sở GDĐH.
Vậy theo ông, thách thức và kỳ vọng đối với giáo dục Việt Nam trong thời gian tới là gì ?
 Tôi cho rằng thách thức lớn nhất mà quản lý nhà nước về giáo dục ở nước ta phải đối mặt, đó chính là sự mất niềm tin. Đây là một thực tế đáng lo ngại, bởi lẽ ngay cả những thành tích đáng tự hào như kết quả thi PISA liên tục trong hai kỳ 2012 và 2015 vẫn bị nhiều người, bao gồm cả các nhà giáo và cán bộ nghiên cứu giáo dục, hoài nghi. Sự mất niềm tin này đang làm cho quản lý nhà nước về giáo dục ở nước ta gặp rất nhiều khó khăn trong đổi mới.
Vì vậy kỳ vọng của tôi, đó là trong tương lai gần chúng ta có được một nền giáo dục đem lại sự hài lòng và niềm tin trong nhân dân. Nỗ lực xây dựng chính phủ kiến tạo và liêm chính mà Nhà nước ta đang theo đuổi chính là bước đi mang tính đột phá và hợp lòng dân. Thành công của bước đi này sẽ đem lại niềm tin cần thiết để giáo dục vững bước đi lên.
Xin cảm ơn ông.
theo: https://www.tienphong.vn